Giải pháp thúc đẩy chuỗi giá trị con tôm (tiếp)

Sau khi phân tích chuỗi giá trị con tôm với đầu vào từ mắt xích nuôi tôm, và thông qua những mắt xích này, ta có thể xem xét trong thực tế để tìm ra điểm mạnh, yếu của ngành.

Từ tình hình đó cũng có thể rút ra những việc nên chú trọng nhằm thúc đẩy hơn chuỗi giá trị con tôm Việt là:

Về chủ trương, chính sách

- Cần chú trọng kiểm soát chất lượng tôm giống, đầu tư thêm hệ thống thuỷ lợi nuôi tôm nhằm giúp nâng cao tỉ lệ thành công cho người nuôi. Điều này sẽ dẫn đến giá thành nuôi thấp, tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới. Hiện tại, có hơn 2.000 cơ sở cung ứng giống. Cơ quan chức năng khó đủ nhân lực kiểm soát hết.

- Tín dụng thuận lợi hơn cho các mắt xích trong chuỗi, nhất là khâu nuôi tôm.

- Nâng cao chất lượng hệ thống giao thông bộ, giảm chi phí vận chuyển. Đầu tư hệ thống điện nhằm khuyến khích nuôi tôm công nghệ cao.

- Đẩy mạnh chủ trương vận động tham gia nuôi hợp tác nhằm tạo sự đồng đều chất lượng, dễ kiểm soát hơn và mức cung sản lượng tốt hơn. Sẽ dẫn đến uy tín thương hiệu tôm ta được giữ vững và nâng cao, giá tiêu thụ cải thiện hơn.

- Kiểm soát chi phí dịch vụ cảng và các chi phí liên quan.

- Đẩy mạnh hơn về chất các chương trình xúc tiến thương mại.

Nội bộ các mắt xích trong chuỗi

- Người nuôi nỗ lực nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đang khá căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang trại với mô hình nuôi sạch, thâm canh đã có kết quả rất tốt. Nhưng mô hình này khó nhân rộng do đòi hỏi cao về vốn, kiến thức...

- Doanh nghiệp (DN) chế biến có nhiều việc có thể làm tốt hơn. Hiện nay có khoảng 50 DN tôm hoạt động. Mỗi DN có thể có nhiều cơ sở chế biến. Quy trình chế biến cơ sở nào cũng có, cái còn lại là kỹ thuật riêng của từng DN, cơ sở.

(1) Trước tiên phải quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham r sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại.

(2) Phải nâng cao kỹ thuật chế biến ở mỗi công đoạn với “bí quyết“ riêng, có được qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu. Tôm ta bán vào Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần cao nhất, dù điều kiện thông quan ở Nhật khó khăn so với tôm từ Thái Lan, Indonesia. Đó là nhờ mẫu mã đẹp, tươi ngon, là thế mạnh chung các DN tôm ta. Nhưng bên cạnh đó, chỉ một số DN tiêu thụ được nhiều tôm bao bột và tôm chiên. Lý do, các mặt hàng này cần các “know how” nhỏ nhưng không phải DN nào cũng làm được. Know how này là hết sức cần thiết, người Nhật không thích sản phẩm khô cứng (chắc do răng yếu?!), tôm chiên phải mềm, không có điểm nào cứng mới thuyết phục, thu hút bên mua.

(3) Sắp xếp chế biến hoàn tất từng đơn hàng, xuất khẩu nhanh nhất, vòng quay ngắn ngày nhất cũng phải là chuyện khó. Nhưng thực tế không ít khách hàng phàn nàn chuyện giao hàng hay chậm trễ từ các DN tôm ta.

Hiện nay có khoảng 500 đầu mối tham gia xuất khẩu tôm, chứng tỏ đội ngũ tiếp thị và bán hàng rất lớn. Ở mắt xích hết sức quan trọng này, may mắn có sự hỗ trợ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Hơn 20 năm qua VASEP đã là cầu nối các DN với thị trường, khách hàng thông qua rất nhiều lượt tổ chức dự các hội chợ thuỷ sản lớn nhất thế giới hàng năm.

Mặt khác, các thông tin diễn biến về tình hình giá cả, cung cầu thế giới về con tôm cũng được VASEP cập nhật hàng tuần qua các bản tin tuần và trên website của mình. Tất cả nội dung này trong quá trình dài đã đóng góp không nhỏ tạo ra diện mạo ngành tôm hiện nay. Cho nên các DN tham gia kinh doanh tôm nên hết sức quan tâm tìm hiểu các thông tin về tôm từ VASEP, nhất là các DN nhỏ, các DN mới gia nhập ngành còn nhiều việc phải lo lúc ban đầu.

Song song đó, để khâu tiếp thị và bán hàng thuận lợi, các DN cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho DN mình. Đây là chuyện khó, đòi hỏi sự kiên trì và tốn không ít chi phí, nhân lực, thời gian. Nhất là muốn xây dựng thương hiệu thành công bền vững đòi hỏi một sự đồng bộ lớn từ nhận thức đến hành động như xây dựng văn hoá DN làm nền tảng để cùng nhìn về một hướng, coi trọng đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, thực thi các chỉ số DN phát triển bền vững... Khi nâng cao đạo đức kinh doanh một số việc liên quan tranh chấp với đối tác, người tiêu dùng, nếu có, sẽ được giải quyết sớm ổn thoả hơn.

Tóm lại, phân tích chuỗi giá trị con tôm là việc hết sức cần thiết nhằm tìm ra từng điểm mạnh yếu của các mắt xích, để cải thiện nội bộ từng mắt xích. Qua đó nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn. Việc nỗ lực này của từng DN sẽ góp gió thành bão, sẽ đưa ngành tôm ta trở thành ngành kinh tế mạnh, xứng đáng với kỳ vọng hàng triệu người đang ngày đêm vất vả tham gia trong hoạt động chuỗi.

Tài liệu tham khảo:

+ Sổ tay nghiên cứu chuỗi giá trị trong chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright niên khoá 2011-2013

+ Cấp thiết chuỗi giá trị tôm. TS Nguyễn Thanh Tùng - Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản

TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm