Việc phân tích chuỗi giá trị mang lại lợi ích to lớn cho các DN trên phương diện để cải tiến chuỗi giá trị hay tìm kiếm cơ hội thâm nhập chuỗi giá trị.
Tổng quan về chuỗi giá trị
Chuỗi giá trị là một dãy các hoạt động làm tăng giá trị tại mỗi bước (mắt xích) trong quy trình, bao gồm khâu thiết kế, sản xuất và giao sản phẩm đến tay người sử dụng. Chuỗi giá trị là một tập hợp tất cả các hoạt động tập trung vào việc tạo ra hoặc tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Chuỗi giá trị bắt đầu từ ý định làm tăng sự thụ hưởng của khách hàng hoặc từ yêu cầu của khách hàng và kết thúc với thành phẩm được tạo ra, cùng với các giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả cho nó. Như vậy mục đích của chuỗi giá trị là làm tăng giá trị sự thụ hưởng, sự hài lòng của khách hàng cao hơn và từ đó đem lại lợi ích tốt hơn cho các mắt xích trong chuỗi.
Khái niệm về chuỗi giá trị lần đầu tiên được đưa ra bởi Michael Porter vào năm 1985. Theo ông, có 5 bước hoạt động chủ yếu để tạo ra giá trị và các hoạt động bổ trợ cho các hoạt động chủ yếu.
5 bước hoạt động chủ yếu bao gồm:
1. Thiết kế: Mọi sản phẩm được hình thành trên cơ sở có khảo sát và vạch ra một chương trình tổng thể, trong đó có những hoạt động cụ thể như bản thiết kế sản phẩm.
2. Logistics đầu vào:
Bao gồm việc nhận hàng, lưu trữ và phân phối các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, nguồn cung cấp khác...
3. Hoạt động sản xuất: Chuyển đổi các yếu tố đầu vào thành sản phẩm hoàn chỉnh.
4. Logistics đầu ra: Liên quan đến việc thu gom hàng, lưu trữ va phân phối các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
5. Tiếp thị và bán hàng: Liên quan đến các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của công chúng về sản phẩm.
Hoạt động hỗ trợ: Bao gồm tất cả các hoạt động tăng giá trị cho sản phẩm và dịch vụ.
Dù được mô tả như là một chuỗi hàng dọc, các mắt xích trong nội bộ chuỗi thường có bản chất hai chiều, tác động nhau. Chuỗi giá trị có thể mang tính quốc tế khi các mắc xích của chuỗi được thực hiện ở nhiều nước. Thí dụ cái áo được thiết kế ở Pháp, phụ liệu ở Ấn Độ, hoàn thiện áo ở Việt Nam, tiêu thụ ở EU…
Trên là khái niệm chuỗi giá trị đơn giản. Năm 2001, hai tác giả Kaplinski và Morri đưa ra thêm khái niệm chuỗi giá trị mở rộng, là một mô hình phức tạp hơn, có tính đến liên kết thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị đơn giản. Nghĩa là xem xét liên kết ngành dọc các yếu tố đầu vào từ khởi nguồn cho đến khi sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng.
Thí dụ, DN (DN) chế biến gỗ. Xem xét nguyên liệu là gỗ xẻ sẽ chỉ xem xét ở góc độ chuỗi giá trị đơn giản. Nếu xem xét thượng nguồn của gỗ xẻ là công đoạn cắt hạ cây hoặc sâu xa hơn là công đoạn trồng trọt với các yếu tố đầu vào là cây giống, phân bón, chăm sóc... Tương tự, con tôm của chúng ta, chủ yếu là tôm nuôi, khi xem xét chuỗi giá trị, nên xem xét ở góc độ mở rộng (thêm mắt xích nuôi tôm) sẽ đủ thông tin để đánh giá chính xác hơn các mắt xích nào là thế mạnh, mắt xích nào cần quan tâm hỗ trợ, khắc phục điểm yếu để nâng cao giá trị chuỗi tốt nhất.
Việc phân tích chuỗi giá trị mang lại lợi ích to lớn cho các DN trên phương diện để cải tiến chuỗi giá trị hay tìm kiếm cơ hội thâm nhập chuỗi giá trị. Từ đó sẽ mang lại lợi ích là nhận dạng lợi thế cạnh tranh; đánh giá lại năng lực và cải tiến hoạt động; phân phối thu nhập lại hợp lý hơn... Ở góc độ toàn cầu, phân tích chuỗi giá trị càng có vai trò quan trọng để DN: (1) Nâng cấp qui trình như tăng năng suất, tăng vòng quay, giảm phế phẩm; (2) Nâng cấp sản phẩm như tạo thêm các điểm mới, tốt hơn trong sản phẩm; (3) Nâng cấp chức năng trên cơ sở so sánh lợi thế có thể giảm bớt chức năng đưa ra bên ngoài đảm nhận nhẹ phí hơn; (4) Nâng cấp chuỗi giá trị trên cơ sở phân tích mà hình thành chuỗi giá trị mới. Đồng thời, qua đó DN am hiểu các yếu tố tác động trong toàn thể chuỗi giá trị, để DN có thêm cơ hội hiểu rõ nội lực và thâm nhập thành công vào thị trường toàn cầu. Con tôm ta, hiểu ở góc độ rộng đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tuy ở mức độ chưa sâu, đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu khá mạnh mẽ.
Chuỗi giá trị con tôm
Phân tích chuỗi giá trị con tôm ta nên xem xét ở góc độ chuỗi giá trị mở rộng, với đầu vào từ mắt xích nuôi tôm. Mắt xích này bản chất nó lại là một chuỗi đơn giản với các yếu tố đầu vào là con giống, thức ăn và dinh dưỡng, khoáng hoá chất, công cụ khác. Các mắt xích còn lại của chuỗi giá trị con tôm nằm trong chuỗi giá trị đơn giản với mắt xích trung tâm là khâu chế biến tôm.
Qua các mắt xích này, xem xét trong thực tế để tìm ra điểm mạnh, yếu của ngành.
+ Mắt xích nuôi tôm có các điểm mạnh như diện tích nuôi lớn, sản lượng cao trên thế giới, cung ứng gần như quanh năm... Điểm không tốt là tỉ lệ nuôi thành công thấp, dẫn đến giá thành cao; đa phần nuôi nhỏ lẻ dẫn tới khó kiểm soát chất lượng.
+ Khâu logistic đầu vào khá tốt. Tuy nhiên, điều kiện giao thông bộ ở đồng bằng sông Cửu Long còn thấp kém, ảnh hưởng làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
+ Khâu chế biến, chủ yếu chế biến đông lạnh. Ngoài ra còn một lượng chế biến khô hoặc tiêu thụ dạng ướp nước đá. Trình độ chế biến tôm đông lạnh của ta ở mức cao của thế giới. Tuy nhiên, trong nội bộ phát triển không đồng đều. Chỉ có khoảng 1/3 DN chế biến ở tầm cao hơn.
+ Khâu logistic đầu ra: Năng lực kho trữ lạnh của các DN tôm khá lớn. Chưa nghe chuyện ứ đọng tôm không chỗ trữ. Hệ thống tàu và cảng biển Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ. Tuy nhiên, chi phí còn cao so mặt bằng thế giới.
+ Tiếp thị và bán hàng: Khá ổn dù chúng ta chưa có nhiều cá nhân thật xuất sắc.
+ Dịch vụ như hậu mãi. Điểm này chưa hoàn thiện. Cần nâng cao đạo đức kinh doanh hơn trong xử lý mọi vấn đề có tranh chấp, ngoài tranh chấp sai sót chất lượng, còn kể cả tranh chấp khác thực hiện hợp đồng như tình trạng giao hàng không đúng, không đủ hoặc huỷ ngang hợp đồng khi giá cả biến động lớn.
TS.Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
(Còn nữa)