(vasep.com.vn) Trong 3 quý đầu năm 2022, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3 với 48% đạt 182 triệu USD. 9 tháng đầu năm 2022, XK tôm sang thị trường này đạt 515 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Tính tới 15/10/2022, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 539 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu NK tôm của Nhật Bản từ Việt Nam được đánh giá khá ổn định trong thời gian này.
Thị trường Nhật Bản đòi hỏi kỹ thuật chế biến tinh tế, tỉ mỉ phù hợp năng lực chế biến của các DN Việt Nam. Trong bối cảnh tôm nguyên liệu trong nước giảm do dịch bệnh trên tôm, các sản phẩm tôm Việt Nam chế biến XK sang Nhật Bản giữ được ưu thế hơn so với các thị trường khác.
XK tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn duy trì ổn định trong những tháng cuối năm 2022. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như tới Mỹ, EU; mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng kỷ lục tại Mỹ, EU. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ cho XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản.
Trong 3 nhóm sản phẩm tôm chính XK sang Nhật Bản, giá trị XK tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 64%. Mức tăng trưởng mạnh trong XK sản phẩm này sang Nhật Bản giúp kéo đà tăng trưởng XK các sản phẩm tôm nói chung sang Nhật Bản. Nhu cầu tiêu thụ tôm sú từ Việt Nam của người dân Nhật Bản đang tăng lên trong vòng 1 năm trở lại đây.
Nhật Bản là thị trường đơn lẻ NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ (chiếm 15% tỷ trọng). 9 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản là thị trường XK của 118 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các sản phẩm XK chính như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh… Các doanh nghiệp XK nhiều tôm nhất sang Nhật Bản như công ty CP Tập đoàn TS Minh Phú, công ty CP Thực phẩm Sao Ta, công ty CP TS Minh Phú-Hậu Giang, công ty CP Hải Việt, công ty CP XNK Thủy sản miền Trung…
9 tháng đầu năm 2022, giá trung bình XK tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 5,1-10,6 USD/kg. Giá trung bình XK tôm chân trắng sang Nhật Bản ổn định từ tháng 4 đến tháng 9. Giá trung bình tôm sú đông lạnh XK sang Nhật Bản dao động từ 10,8-15,8 USD/kg trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 7 tháng đầu năm 2022, NK tôm của Nhật Bản đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Top 3 nguồn cung lớn nhất gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
7 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng XK tôm Indonesia và Thái Lan sang thị trường Nhật đạt cao hơn so với Việt Nam. Trong top 12 nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản, Ấn Độ và Ecuador ngày càng giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường Nhật.
Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây cũng là trợ lực cho XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản từ nay đến hết năm.
Top 10 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản, T1-T9/2022
|
STT
|
Doanh nghiệp
|
Tỷ trọng (% GT)
|
1
|
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
|
13,9
|
2
|
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta
|
10,8
|
3
|
Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang
|
10,4
|
4
|
Công ty CP Hải Việt
|
5,0
|
5
|
Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Miền Trung
|
5,0
|
6
|
Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên
|
4,0
|
7
|
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước
|
3,5
|
8
|
Công ty TNHH Thủy sản Đông Hải
|
3,2
|
9
|
Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh
|
3,0
|
10
|
Công ty TNHH Hải sản Thanh Thế
|
2,8
|
(VASEP tổng hợp, số liệu mang tính chất tham khảo)
|