Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng sản lượng tôm nước lợ trong sáu tháng đầu năm nay vẫn đạt trên 2.500 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuân thủ các biện pháp kỹ thuật
Ông Hoàng Vinh ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) khẳng định, hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường bài bản là yếu tố quyết định thành công trong vụ nuôi tôm chân trắng này. Yếu tố môi trường nguồn nước trong ao đảm bảo sẽ hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh. Cứ 2-3 ao nuôi tôm thương phẩm, ông Vinh xây dựng một ao lắng xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi, không lấy nước trực tiếp vào ao hoặc trực tiếp xả nước trong hồ ra ngoài môi trường.
Trong suốt thời gian nắng nóng, ông Vinh thường xuyên vận hành quạt nước tạo ô-xy, trộn thêm vitamin C vào thức ăn nhằm tăng đề kháng đảm bảo cho tôm sinh trưởng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Nắng nóng thường làm khả năng hấp thụ thức ăn của tôm khá yếu, ông Vinh điều chỉnh hàm lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Tảo độc, khí độc thường diễn ra trong mùa nắng nóng nên phải thường xuyên kiểm tra, xử lý đảm bảo nguồn nước an toàn, vệ sinh môi trường.
Theo ông Vinh, ngoài chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, trước khi mua về phải kiểm tra, kiểm dịch bằng máy PCR để xử lý các mầm bệnh trước khi thả nuôi. Giống tôm trước khi thả phải ươm dưỡng, theo dõi 30 ngày, đảm bảo an toàn mới chuyển vào ao nuôi. Hơn 10 ao nuôi với diện tích 4ha của ông Vinh đều đạt năng suất, sản lượng khá cao, bình quân trên 20 tấn/ha. Trong khi giá tôm hiện nay tương đối ổn định, nên lãi trên 2 tỷ đồng.
Ông Võ Thanh ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) phấn khởi trước vụ tôm nuôi trên cát đầu năm nay. Từ khi thả nuôi cũng là lúc thời tiết bắt đầu nắng nóng, kéo dài đến khi thu hoạch, nhưng ông Thanh cũng như nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền đều khắc phục. Ông Thanh kết hợp kinh nghiệm và hướng dẫn của cán bộ thủy sản trên cơ sở khoa học trong ứng phó nắng nóng, xử lý môi trường, dịch bệnh nên năng suất tôm đạt khá cao. Hộ ông Thanh nuôi hai hồ, mỗi hồ rộng 3.000m2, đạt sản lượng trên 9 tấn, lãi gần 1 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu đánh giá, yếu tố thành công vụ tôm đầu năm nay là việc xử lý môi trường đảm bảo suốt mùa nắng nóng. Người dân cơ bản nắm bắt và chấp hành khá tốt các yêu cầu kỹ thuật của cơ quan chức năng, kết hợp với kinh nghiệm. Hầu hết các hộ nuôi biết chọn giống chất lượng, kiểm tra, kiểm dịch giống trước khi thả nuôi, chấp hành tốt khung lịch thời vụ, xử lý nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, người dân thường xuyên nhận được sự quan tâm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật của cán bộ thủy sản huyện, tỉnh nên xử lý, ngăn chặn kịp thời tôm có dấu hiệu dịch bệnh, bất thường. Ở Phong Hải nói riêng, Ngũ Điền nói chung có đến 80% hộ nuôi đều đạt hiệu quả, có lãi.
Sản lượng tăng 7%
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang cho rằng, trong điều kiện nắng nóng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả tôm nuôi mang lại khá lớn, ngoài mong đợi của các địa phương và ngành nông nghiệp. Trong đó, các giải pháp quan trọng mà ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung triển khai, tạo nên thành công là xử lý môi trường, ứng phó nắng nóng và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Mùa nắng nóng năm nay, ngành thủy sản quan tâm hơn trong việc cử cán bộ kỹ thuật bám cơ sở, phối hợp với các địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, như tạo ô-xy, xử lý môi trường nguồn nước, cho ăn đúng hàm lượng, thời điểm và phòng ngừa dịch bệnh… Suốt vụ nuôi tôm, đặc biệt nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển ít xảy ra dịch bệnh. Có đến 80% diện tích, hộ nuôi ở Ngũ Điền và huyện Phú Lộc, Phú Vang đạt hiệu quả, năng suất bình quân trên 20 tấn/ha. Nhiều hộ lãi từ 500 triệu đến vài tỷ đồng.
Trong điều kiện dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ sản phẩm, ngay từ đầu vụ, ngành thủy sản cùng với các địa phương làm việc với các công ty, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ thu mua sản phẩm cho người dân. Trong đó, Nhà máy tôm đông lạnh CP tại huyện Phong Điền là đơn vị thu mua tôm chân trắng trong vùng nên việc tiêu thụ sản phẩm đảm bảo. Đối với các vùng nuôi tôm đầm phá chủ yếu thu tỉa và tiêu thụ nội địa tương đối ổn định.
Ông Trương Văn Giang thông tin, để phát huy tiềm năng, hiệu quả nuôi tôm, thời gian đến, ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư hạ tầng nuôi tôm nước lợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và theo quy định. Một số vùng nuôi sẽ áp dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, vùng nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ… Đồng thời hỗ trợ quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp hợp tác với các viện, trường để chuyển giao công nghệ, thực hiện mô hình nuôi tôm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành, hiệu quả cao.
Sáu tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh 757 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 360 ha, tăng 3,4%; nuôi tôm thẻ chân trắng 346 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nước lợ 2.503 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Giá tôm chân trắng bình quân từ 150-220 ngàn đồng/kg, tôm sú từ 200-250 ngàn đồng/kg.
(Theo báo Thừa Thiên Huế)