Từ đầu năm 2021 đến nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn không chỉ do dịch bệnh, thời tiết bất lợi mà còn do sự biến động của thị trường vì dịch Covid-19 bùng phát.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, nông dân đã thả nuôi nhiều đợt tôm với tổng diện tích hơn 4.200ha, trong đó, thu hoạch trên 3.600ha; năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha, tổng sản lượng trên 10.500 tấn, đạt 71,2% kế hoạch, bằng 104% so cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, toàn tỉnh ghi nhận trên 314ha tôm bị thiệt hại, trong đó, thiệt hại phải thu hoạch sớm trên 256ha và mất trắng khoảng 58ha.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thả nuôi 3 đợt tôm thẻ chân trắng nhưng toàn thua lỗ. 2 đợt đầu mới thả giống xuống được khoảng 20-30 ngày thì tôm bệnh, phải thu hoạch sớm. Đợt vừa rồi, tôm năng suất cao thì lại khó tiêu thụ, giá tôm thấp. Hàng chục ao nuôi lân cận cũng không tiêu thụ được, nhiều hộ đang phải “treo ao”. Một số hộ nuôi khác cũng thả nuôi lại nhưng chỉ cầm chừng, không dám thả nuôi nhiều”. Hiện nay, tại huyện Cần Đước vẫn còn rất nhiều ao nuôi tôm đang trong giai đoạn thu hoạch, ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn tôm đến tuổi xuất bán. Nhiều người dân đang phải “neo” tôm lại trong ao chờ thương lái. Do vậy, rất cần ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ đối với số lượng tôm buộc phải thu hoạch trong thời gian giãn cách xã hội.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin, từ đầu năm đến nay, huyện thả nuôi hơn 730ha tôm, trong đó phần lớn là tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, do thời tiết bất lợi, dịch bệnh xuất hiện trên một số diện tích ao nuôi khiến người nuôi thua lỗ, cùng với đó, đầu ra bị ảnh hưởng do các chợ đầu mối ở TP.HCM tạm ngừng hoạt động vì dịch Covid-19 nên nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, thậm chí nhiều hộ “treo ao”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết, tình hình tiêu thụ tôm ở các huyện vùng hạ vẫn chưa có chuyển biến nhiều so với tuần trước. Đối với những ao tôm nhỏ thu hoạch bán lẻ với giá thấp, còn những ao tôm khoảng 1 tấn tôm trở lên, phải có kết quả test nhanh không có dư hàm lượng kháng sinh mới xuất bán được. Đối với một số ao tôm lớn, thương lái yêu cầu nông dân phải thu hoạch nhiều lần nên họ từ chối bán. Riêng tại huyện Tân Trụ, thương lái bước đầu đã thu mua tôm ổn định trở lại nhưng giá tôm giảm.Hiện giá tôm sú khoảng 110.000 đồng/kg (cỡ 50 con/kg), tôm thẻ từ 65.000-80.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).
“Chi cục khuyến cáo người nuôi tôm trong tỉnh cần điều chỉnh hoạt động nuôi vừa bảo đảm hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Theo đó, người nuôi tôm cần theo dõi sát diễn biến thời tiết và thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi. Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt chất thải, tránh để dịch bệnh lây lan ra môi trường,... Đồng thời, ở thời điểm này, người nuôi tôm cũng nên cân nhắc kỹ trước khi thả nuôi vụ mới, tốt nhất nên ươm giống từ 20-25 ngày trước khi thả ra ao nuôi (nếu có ao ươm) hoặc thả giống cuốn chiếu (nếu có nhiều ao nuôi), mật độ thả nuôi cũng không nên quá dày đặc” - ông Toàn khuyến cáo.
(Theo báo Long An)