Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao

Năm 2007, anh Trần Viết Quang, hội viên nông dân Chi hội Nam Sơn, xã Trung Giang, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đã mạnh dạn vay 1 tỉ đồng qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với 2 ao tôm, diện tích mặt nước 8.000 m2, mỗi năm nuôi 2 vụ, số lượng tôm giống thả khoảng 50 vạn con/vụ, sản lượng đạt 6 - 7 tấn/vụ.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trần Viết Quang

Qua thời gian nuôi, anh Quang có thêm kinh nghiệm cùng với kiến thức sau khi tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tập đoàn thủy sản Bồ Đề, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức. Anh còn được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cung cấp giống, thức ăn, men vi sinh xử lý môi trường và bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, gia đình anh Quang tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư với diện tích 2 ha, vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 5 tỉ đồng đưa số lượng nuôi lên 6 triệu con giống/vụ, đạt sản lượng 100 tấn/vụ, theo giá bán tôm thương phẩm tại ao hiện nay khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg, đạt doanh thu từ 12 - 15 tỉ đồng/vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí nuôi, hao hụt về con giống, đã đem lại cho gia đình anh Quang lợi nhuận từ 2 - 2,2 tỉ đồng/vụ.

Chia sẻ về tính ưu việt của nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hai giai đoạn theo hình thức thâm canh, anh Quang cho biết: Ở giai đoạn đầu là quá trình ương, tôm giống được thả vào ao ương có diện tích nhỏ để dễ theo dõi quá trình phát triển của tôm, những biến động của thời tiết, xử lý nguồn nước trong giống ao ương. Giai đoạn 2 là sau khi tôm được 30 - 40 ngày tuổi sẽ tiến hành san qua ao nuôi thông qua hệ thống ống xả và nuôi cho đến khi tôm đạt trọng lượng thương phẩm khoảng 100 - 120 ngày. Với hình thức nuôi này, tỉ lệ tôm giống sống cao, sức đề kháng mạnh hơn, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí đến mức tối đa, kéo dài tuổi thọ của ao nuôi từ 10 - 15 năm, quản lý chặt chẽ về sức khỏe, dịch bệnh trong quá trình phát triển của tôm, mật độ nuôi đảm bảo.

Đặc biệt, nuôi tôm theo quy trình chuẩn, trong quá trình nuôi, hộ nuôi cam kết với các công ty, tập đoàn thực hiện việc ghi nhật ký, hồ sơ đầy đủ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đảm bảo không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh độc hại làm cơ sở cho việc test sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sau thu hoạch tôm thương phẩm. Vì vậy, đã tạo được sự liên kết trong phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, sự an toàn, ổn định về đầu ra cho sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Quang tiếp tục mở rộng hướng đầu tư ra vùng cát ven biển của xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh với diện tích 2 ha để nuôi tôm theo hình thức ký hợp đồng thuê đất để nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang Bùi Quang Miêng cho biết, toàn xã hiện có 45 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng liên kết với các công ty, tập đoàn bao tiêu sản phẩm tập trung ở thôn Nam Sơn với 10 hộ nông dân tham gia. Anh Trần Viết Quang là hội viên nông dân có thời gian nuôi tôm khá lâu năm ở địa phương, mô hình của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(Theo báo Quảng Trị)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục