Thủy sản chào năm 2020, chào vận hội mới

Năm 2020 khởi đầu thập kỷ mới. Có đúng sai không quan trọng, cái quan tâm hơn, coi đây là xuất phát điểm cho những năm 2020, khởi đầu vận hội mới ngành thủy sản.

Tín hiệu từ thị trường, năm 2020 có Olympic Tokyo và vòng chung kết Euro. Thời điểm đó, khách du lịch tăng cao, nhu cầu thực phẩm cao hơn. Thủy sản là nguồn thực phẩm được nhiều ưa chuộng. Đây chỉ là một điểm sáng không phải là lớn lắm nhưng có ý nghĩa tạo đà để ngành chế biến thủy sản bứt phá trong lâu dài.

Trong thủy sản, tựu chung có tôm, cá tra và hải sản, thế chân kiềng này khá cân đối. Nhưng trong xu thế phát triển bền vững, lĩnh vực nuôi trồng có ưu thế hơn. Hải sản phải tiến tới tập trung phát triển nuôi biển. Hiệp hội Nuôi biển của ta đã có là cần thiết và kịp thời. Phải có gì biểu dương những thành viên đã vận động và hình thành Hiệp hội này.

Nuôi biển, trước mắt chưa mạnh mẽ, nhưng nuôi tôm và nuôi cá tra đã là ngành chủ lực có thâm niên hai ba chục năm. Sản lượng cá tra của ta có thể sản lượng cao hơn, thậm chí gấp đôi hiện nay, nhưng gặp vấn đề cân đối cung cầu. Nói điểm này để nhấn mạnh năng lực linh hoạt của người nuôi cá tra... Khi thị trường thế giới còn nhiều nguồn cá thịt trắng như cá minh thái, cá rô phi, cá chẽm, cá tuyết thì cá tra phải liệu tính sản lượng không thể quá cao, tạo dư thừa, giá giảm, gây thua lỗ. Cá thịt trắng đang được tổ chức nuôi nhiều trên thế giới nhưng thông tin người nuôi của ta không nắm, dẫn chứng như thời điểm này cá chẽm ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 40.000 đồng trên kg. Giá vốn là từ 50.000 đồng. Cá tra đang có bạn cùng cảnh ngộ, nổi buồn vơi đi hay tăng lên!!!

Ở góc độ nhìn này có phần bi quan, nhưng thật ra ngành cá tra đang nỗ lực chuyển mình. Các doanh nghiệp (DN) chế biến đang tìm tòi, chế biến những sản phẩm cá mới nhằm tăng giá trị con cá và thu hút người tiêu dùng; không ít DN đã có giải pháp tăng thu từ nguồn phụ phẩm cá, chế biến những mặt hàng rất cạnh tranh như sản phẩm từ da cá, mỡ cá, bao tử cá, bong bóng cá. Tôi đi Trung Quốc, thấy trong siêu thị bán rất nhiều bọc xương cá chiên dòn, bao bì rất bắt mắt và giá khá cao, cũng là một hướng cho phụ phẩm cá tra mình. Khi tăng được nhiều giá trị từ phụ phẩm, góp phần làm giá thành sản phẩm cá tra giảm, sức cạnh tranh cá tra với các mặt hàng cá thị trắng khác tăng lên.

Một giải pháp khác là các DN đang triển khai khai thác thị trường nội địa thông qua tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước. Đây là một không gian lớn, tiềm năng, bỏ ngỏ thời gian dài qua. Nhất là giá thịt heo đang quá cao, người tiêu dùng đang tìm nguồn thịt thay thế, giá cả mềm hơn. Các DN đang tăng tốc đi trước chắc chắn có doanh thu không nhỏ. Về vĩ mô, chắc chắn Hiệp hội Cá tra sẽ phối hợp lãnh đạo các tỉnh nuôi cá tra giám sát các hộ nuôi, tính toán diện tích nuôi phù hợp, bảo đảm các ao nuôi đạt chuẩn quy định và nắm vững sản lượng. Từ đó các DN sẽ dễ bề tính toán hơn trong kinh doanh. Tóm lại, tuy thời điểm này gam màu cá tra không sáng sủa lắm nhưng bên trong đang có cuộc “cách mạng” khởi nguồn từ một số DN lớn có tiềm lực và tầm nhìn. Đó là nghiên cứu mặt hàng mới, tận dụng phụ phẩm tốt hơn, nghiên cứu cá giống tính trội hơn, giảm tối đa hao hụt trong ao nuôi và cá tăng trọng tốt hơn; chú ý khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Song song, sẽ cố gắng kiểm soát duy trì sản lượng nuôi phù hợp. Từ đó, từng bước con cá tra lấn sân và sản lượng cá tra sẽ tăng theo hợp lý.

Nhiều năm qua, thời tiết thuận lợi cho nuôi tôm. Nhờ đó sản lượng tôm nuôi có tốc độ tăng trưởng khá tốt, dù chỉ là một con số. Nhưng cảnh ngộ con tôm cũng éo le không kém con cá tra. Nhiều cường quốc nuôi tôm đều có chương trình quốc gia tăng tốc cung ứng tôm. Nổi bất nhất là Ấn Độ và Ecuador. Hệ quả là cung có dấu hiệu trội hơn cầu, dẫn đến giá tôm tiêu thụ trên thị trường quốc tế 3 năm qua sụt giảm rất mạnh. Tôm Việt cũng đang lao vào cuộc chơi này.

Để tăng sức cạnh tranh, các nước nuôi tôm đang tìm giải pháp làm giảm giá thành con tôm, tập trung ở khâu nuôi. Để nuôi có kết quả tốt, hệ số thu hồi phải cao và hệ số hao hụt thức ăn thấp. Muốn vậy phải có quy trình nuôi tiên tiến, có khả năng kiểm soát tốt hơn quá trình phát triển con tôm. Tôm giống phải sạch bệnh hoặc có khả năng chống chịu bệnh; tôm mau lớn… Tôm Việt chúng ta, được sự ủng hộ từ Chính phủ và Bộ ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực các năm qua. Tuy nhiên, nhược điểm lớn trong ngành tôm chúng ta là giá thành tôm nuôi còn cao so mặt bằng thế giới.

Phân tích nhược điểm này sẽ tìm thấy nhiều nút thắt. Nút thắt đầu tiên là chưa đủ tôm giống tốt. Chúng ta có trên hai ngàn cơ sở sản xuất tôm giống nhưng khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng có hạn. Khi nào còn từ ”tôm giống trôi nổi” thì tỉ lệ thành công ao nuôi còn thấp, dĩ nhiên giá thành còn cao. Nút thắt thứ hai là đa phần người nuôi hết vốn, do thua lỗ khá nặng, nhất là giai đoạn 2010-2015 do bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tàn phá. Do thiếu vốn, người nuôi chấp nhận đầu tư thức ăn (đôi khi cả con giống) từ các đại lý. Giá bị đội 20-30%, như vậy giá thành tôm nuôi làm sao cạnh tranh nổi... Nhược điểm lớn kế tiếp là nuôi tôm còn nhỏ lẻ là phổ biến. Nhỏ lẻ do mỗi hộ có diện tích đất không lớn và vốn có hạn. Từ đó dẫn đến rủi ro là khó có chất lượng đồng đều và khó truy xuất nguồn gốc. Nhược điểm nữa là đa phần vùng nuôi có tính tự phát cao, nhất là những lúc tôm có giá cao, dân đổ xô làm ao nuôi ồ ạt, phá vỡ các quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng dễ lây lan dịch bệnh, làm an toàn sinh học các vùng nuôi xuống thấp.  

Các vấn đề tôm giống, vốn, cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi… dĩ nhiên Chính phủ và Bộ ngành thấy hết. Nhưng để chuyển đổi, sắp xếp cần thời gian và đồng tiền. Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có nuôi tôm; khuyến khích gia hóa tôm bố mẹ; phổ biến các công nghệ nuôi tôm tiên tiến không cần diện tích đất quá lớn… Những giải pháp này đã có kết quả khả quan ban đầu. Tuy nhiên, cần tăng tốc và giải quyết nút thắt là mở rộng hơn tín dụng cho nuôi tôm và mở rộng tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại nuôi tôm lớn, thuận lợi trong đầu tư công nghệ và thực hiện nuôi tôm theo chuẩn quốc tế, thu hút tiêu thụ các hệ thống phân phối cao cấp, nâng tầm tôm Việt trên thương trường quốc tế.

Thật ra, tại thời điểm này, khởi đầu vụ nuôi chính 2020, tôm Việt và các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đang lo âu về sự bùng phát của dịch bệnh, phổ biến như EHP và phân trắng, chưa có phác đồ điều trị rõ ràng. Chỉ có các giải pháp phòng bệnh chung chung. Hội nghị tôm toàn cầu gần đây nhất dự báo năm 2020, cung và cầu tôm tăng trưởng ở mức trung bình, khoảng 5% và giá tôm vẫn ở mức thấp. Nhưng những điểm không tích cực này không làm nhòa lợi thế tôm Việt. Ngành chế biến tôm của ta đang ở ngưỡng cao thế giới, giữ được phần giá trị thặng dư để chia sẻ người nuôi. Các DN kinh doanh tôm linh hoạt trong tiêu thụ. Chúng ta nhìn cơ cấu thị trường trong nhiều năm qua sẽ thấy xu thế thị phần ở EU và Nhật Bản tăng lên, ở Hoa Kỳ giảm xuống. Đây là tín hiệu rất tốt, bởi tại Hoa Kỳ có quá nhiều nước tham gia cung ứng tôm, trong đó tôm Ấn Độ lợi thế giá rất rẻ và tôm Indonesia lợi thế là không bị thuế đã chiếm trên 50% sản lượng tôm nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Với trình độ chế biến cao, tôm Việt tập trung cung ứng các thị trường đòi hỏi sự chăm chút trong chế biến sản phẩm nhưng giá cả cạnh tranh hơn. Hướng đi vào chất lượng là hướng đi đúng và bền vững. Tôm Việt dẫn đầu tôm nhập vào Nhật Bản và tình huống này lặp lại ở Hàn Quốc. Ở EU, hy vọng sau khi có EVFTA sẽ góp phần làm tăng sức cạnh tranh tôm Việt vì không có thuế nhập khẩu, hy vọng lúc đó doanh số tiêu thụ ở thị trường này sẽ tăng mạnh.

Chào năm 2020, rõ ràng ngành thủy sản còn nhiều điểm chưa sáng, hải sản chưa gỡ được thẻ vàng, tôm nuôi còn lo âu dịch bệnh bùng phát, cá tra âu lo dư thừa bất ngờ… Nhưng nhìn về lâu dài, cơ hội rất lớn. Chính phủ và Bộ ngành hết sức quan tâm, luôn nhanh chóng tìm cách tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Đó là điểm tựa lớn nhất tạo nguồn phấn khởi cho cộng đồng các thành viên tham gia ngành thủy sản. Sự năng động của đội ngũ doanh nhân chế biến kinh doanh thủy sản là yếu tố vai trò đầu tàu thúc đẩy con tàu thủy sản tiến nhanh hơn. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy sau những lần vấp váp, bản lĩnh và kinh nghiệm đội ngũ tham gia ngành thủy sản được nâng lên. Sau cơn mưa trời lại sáng, chúng ta có quyền tin tưởng những sự chuẩn bị đã và đang diễn ra trong ngành sẽ có kết quả vô cùng khích lệ trong những năm sắp tới.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm