Ông chủ Thủy sản Thuận Phước: Trăn trở khi doanh nghiệp Việt “làm thuê” ngày càng nhiều

Chủ tịch Công ty thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết ông cảm thấy lo lắng khi các doanh nghiệp "ngoại" ngày càng chiếm lĩnh những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt.

Ông Trần Văn Lĩnh hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước – một trong những công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn có trụ sở tại Đà Nẵng, nằm trong Top 20 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Chính phủ khóa mới đã có nhiều những chủ trương, chính sách quan trọng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Là một doanh nhân, ông có cảm nhận gì trước những động thái này?

Vừa qua, tôi thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những tư duy rất đổi mới, ông đặt mục tiêu Chính phủ nhiệm kỳ mới là Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính.

Thủ tướng liên tục nhấn mạnh phải thay đổi tư duy, đừng coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà phải là đối tượng phục vụ. Thủ tướng đặt ra mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tức là tạo ra những điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp được hoạt động. Thủ tướng cũng hướng một Chính phủ liêm chính, mà ở đó, những thành viên của bộ máy đó họ sẽ không có điều kiện để tham nhũng.

Không chỉ đặt ra mục tiêu đúng hướng, trong thời gian rất ngắn sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã làm được nhiều việc rất thiết thực cho doanh nghiệp, không né tránh bất kỳ vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ.

Từ vụ ông chủ quàn café bị khởi tố, vụ bán điện thoại di động “cùi bắp” tới việc kiên quyết không cho các bộ ngành nợ đọng văn bản mà trước đây vẫn luôn bị dây dưa…

Tất cả những việc ấy, tôi cho rằng sẽ được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, ủng hộ. Thủ tướng và Chính phủ mới sẽ tạo ra bước chuyển động lớn để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, điều mà những doanh nhân như chúng tôi hy vọng, những động thái mạnh mẽ này không chỉ đến từ phía Chính phủ mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để thực sự tạo ra những thay đổi, biến chuyển thực sự, để doanh nghiệp thực sự được cỏi thì cần toàn bộ tổ chức bộ máy nhà nước vào cuộc, đặc biệt là cấp thừa hành, những người thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp.

Ông có trăn trở gì không khi nhìn vào bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2016? Những vấn đề nào theo ông cần được Chính phủ quan tâm để thúc đẩy hơn nữa môi trường kinh doanh, đời sống doanh nghiệp?

Nền kinh tế mặc dù đã có những thay đổi, song còn quá nhiều những khó khăn. Sự phát triển kinh tế dựa vào điều kiện tự nhiên, khai khoáng tự nhiên đã gần chấm dứt rồi.

Những số liệu kinh tế 9 tháng đầu năm đã cho thấy điều đó: Tỷ trọng thu nhập từ khai khoáng giảm, nông nghiệp vốn là yếu tố để cứu giúp nền kinh tế nhưng giờ chững lại, thậm chí sa sút đi vì thiên tai, vì hạn hán ngập mặn…

Đã đến lúc nền kinh tế phải chuyển qua giai đoạn mới, trong đó tỷ trọng công nghệ chế biến chiếm cao hơn. Nền kinh tế phải chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa hơn chứ không thể phụ thuộc mãi vào mưa thuận gió hòa.

Chúng ta đã gia nhập các nền kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, nếu chúng ta – cả nhà nước và doanh nghiệp – không đẩy mạnh cải cách hơn nữa thì khó thoát khỏi bẫy thu nhập thấp. Nhìn lại thì thấy, một điều không khỏi chạnh lòng, nội lực của chúng ta còn yếu quá. Đó là điều tôi trăn trở.

Trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ lệ khối các doanh nghiệp vốn FDI rất cao, lấn át các doanh nghiệp nội. Thật hết sức đáng lo ngại khi doanh nghiệp nước ngoài đang lấn sân nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại bán lẻ, trong khi doanh nghiệp Việt lại chuyển hướng sang gia công, làm thuê thay vì đẩy mạnh sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp ngoại họ đổ vốn kiếm lời, nếu có biến động là họ rút. Điều tôi thấy lo ngại, cứ cho rằng GDP có thể cao, nhưng thu nhập thực tế của người dân, đời sống của người dân thực sự có tăng, có đuổi kịp các nước trong khu vực hay không?

Tôi mong rằng mọi quyết định, chính sách của Chính phủ cần hướng đến đời sống thực sự của người dân, thay vì chỉ là những con số mang tính hình thức.

Tôi cũng kiến nghị, nên bỏ việc tăng lương tối thiểu. Hãy để chủ doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Lương tối thiểu đâu có đưa cuộc sống người lao động lên cao. Các doanh nghiệp đều nói đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu cứ buộc họ phải tăng lương, nhiều doanh nghiệp phải xén bớt thu nhập của người lao động để đóng bảo hiểm. Vì gánh nặng bảo hiểm đối với doanh nghiệp giờ nặng quá, làm giảm năng lực cạnh tranh của họ.

Nhìn chung nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nội lực doanh nghiệp còn yếu, cuộc sống người lao động còn  nhiều bấp bênh. Tôi kỳ vọng những chính sách, chủ trương của Chính phủ sắp tới sẽ sâu sắc hơn, thực tế hơn, đưa đất nước vượt qua thách thức, đón nhận cơ hội.

Ông có thể chia sẻ thêm đôi chút về công việc kinh doanh hiện nay? Được biết ngành thủy sản những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về khí hậu, cạnh tranh? Doanh nghiệp ông như thế nào, có gặp nhiều khó khăn không?

Nền nông nghiệp trong đó có lĩnh vực thủy sản của nước ta còn dựa nhiều vào yếu tố tự nhiên, do vậy bất kỳ một trục trặc nào về thời tiết, khí hậu cũng gây ảnh hưởng lớn tới việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù nước ta thuận lợi về môi trường thủy sản khi sở hữu hơn 3.200km bờ biển nhưng nguồn khai thác từ biển đang cạn kiệt dần, trong khi đó, nguồn nguyên liệu nuôi trồng mang tính mùa vụ, thiếu chuyên nghiệp và thiếu bền vững… không đáp ứng đầy đủ mang tính ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất. 

Đặc biệt, ngành tôm hiện nay đang đứng trước thực sự quá nhiều khó khăn cả về giá cả, dịch bệnh…

Chưa kể chúng ta chưa tự chủ được về con giống, tất cả đều phải nhập khẩu. Vì vậy, khi bà con nông dân họ gặp khó, bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng sẽ khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong việc kinh doanh, chúng tôi cũng có những diện tích nuôi trồng nhất định để đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào.

Điều gì đã đưa ông đến với ngành thủy sản. Bài toán chuyển giao thế hệ khá “đau đầu” đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Với Thuận Phước thì sao thưa ông?

Gia đình tôi vốn làm nghề cá, tôi lập nghiệp cũng chính từ việc buôn bán thủy sản. Từ một doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có vài triệu USD/năm hiện Thuận Phước xuất khẩu lên tới vài trăm triệu USD, tạo công ăn việc làm cho vài nghìn người.

Hiện Thuận Phước là công ty cổ phần, bản thân tôi dù không phải là người nắm nhiều cổ phần nhất, song vì được mọi người tín nhiệm nên vẫn được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Chúng tôi cũng đã tính toán tới việc chuyển giao từ rất lâu. Tôi có hai đứa con, một đứa học ở Canada, một đứa bên Mỹ, không ai theo nghề của tôi. Tôi để các con tự do lựa chọn tương lai của chúng và tôn trọng ý kiến của con. Giờ chúng đều chọn ở lại nước ngoài lập nghiệp.

Đối với tôi, người sẽ nắm giữ vai trò làm điều hành Thuận Phước phải là người vừa muốn làm mà vừa phải làm được. Tức là họ cần có năng lực, quyết tâm, lòng kiên trì và khao khát được công hiến.

Họ cũng cần được sự tin tưởng của hội đồng quản trị. Đối với tôi, quan trọng là sự phát triển bền vững của Thuận Phước, tạo ra thu nhập ổn định cho người lao động…

Xin trân trọng cám ơn ông!

(Theo VFpress)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm