Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề xuất ý tưởng xây dựng 6 tiểu khu quy hoạch theo hướng 'thuận thiên' cho vùng ĐBSCL.
Mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc xây dựng sáu tiểu khu quy hoạch cho ĐBSCL.
Theo ông Quang, với mô hình khép kín cả chuỗi giá trị sản xuất tôm, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện có 18 công ty thành viên, trong đó có 1 công ty ở Mỹ và 1 công ty ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), với trên 15.000 cán bộ công nhân viên trải khắp các tỉnh duyên hải từ Ninh Thuận cho đến Hà Tiên, Kiên Giang.
Ông Quang đánh giá: ĐBSCL với đa dạng hệ sinh thái đan xen mặn ngọt có tiềm năng rất lớn phát triển nuôi tôm sú hữu cơ cũng như nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL là vựa lúa, vựa tôm với dư địa phát triển triển còn rất lớn, có thể tăng giá trị gấp 20 lần hiện tại với khả năng cạnh tranh cao, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ĐBSCL cần được quy hoạch đúng và tốt, theo hướng "thuận thiên", thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Theo đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị xây dựng 6 tiểu khu bao gồm:
Một là quy hoạch những khu đô thị biển có cảng biển, khu dân cư gắn liền bến neo đậu tàu thuyền với khu công nghiệp chế biến cá và sản phẩm của biển.
Hai là quy hoạch trồng, phát triển rừng đước nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng, tạo ra một dải rừng đước rộng 1 - 2 km chạy dài từ Hà Tiên lên tới Vũng Tàu.
Ba là quy hoạch các vùng nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao đủ lớn, áp dụng công nghệ IoT và AI để tạo năng suất và hiệu quả cao.
Bốn là quy hoạch những vùng nuôi tôm quảng canh đủ lớn để tạo ra vành đai an toàn sinh học bảo vệ tôm không bị nhiễm bệnh, đạt tỷ lệ sống cao và lợi nhuận tốt.
Năm là quy hoạch những khu chế biến tôm và công nghiệp phụ trợ tập trung gắn với khu đô thị nằm ở trung tâm (để cung cấp công nhân cho các nhà máy) và cách vùng nguyên liệu không quá 5 giờ chạy ô tô (để giảm chi phí muối ướp, vận chuyển và đặc biệt là giữ được chất lượng tôm tươi tốt).
Sáu là quy hoạch vùng tôm - lúa đủ lớn nhằm tạo ra vành đai an toàn sinh học để mầm bệnh tôm không xâm nhập được vào ao tôm. Ở đây có khu dân cư tập trung được ngăn cách với khu tôm - lúa, có các hồ chứa nước ngọt đủ lớn để cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng cây ăn trái.
Với sáu tiểu khu quy hoạch trên, theo ông Lê Văn Quang, nếu được quy hoạch cho từng tỉnh duyên hải ĐBSCL, có kết nối giao thông nội vùng và liên vùng, sẽ phát huy lợi thế, tính đặc trưng, riêng biệt của từng tỉnh. Các khu quy hoạch có thể liên kết hợp tác, cộng hưởng để phối hợp và tăng sức mạnh chung.
(Theo nongnghiep.vn)