“Mô hình tôm - lúa có thể cho doanh thu tới 1 tỷ đồng/ha mỗi năm nếu canh tác thành công”, 'vua tôm' Minh Phú chia sẻ về hiệu quả kinh tế khi làm nông nghiệp thuận thiên, giảm phát thải tại ĐBSCL.
Tín chỉ carbon hay nông nghiệp thuận thiên là một trong những giải pháp, công cụ để thúc đẩy các quốc gia, trong đó có vùng ĐBSCL - vựa lúa của nước ta - cần chuyển đổi dần thói quen sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng các giải pháp thuận tự nhiên để biến đổi quy trình sản xuất theo hướng tuần hoàn giúp giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, giảm chất thải ra môi trường... Từ đó, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hoà carbon.
Tại Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL, mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng, mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng đồng bằng này.
Ông chỉ rõ, đặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa và khô. Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về phía đất liền, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm.
Tôm được thả nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp mà tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên phong phú. Bởi, từ rễ cây lúa làm tơi xốp đất, cùng với gốc rạ, cọng rơm, hạt thóc của cây lúa tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho động vật thủy sinh sinh sôi và phát triển cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con tôm.
Các dòng chất dinh dưỡng, vi sinh vật, động vật thủy sinh luân chuyển và phát triển trong sự tuần hoàn giữa hệ sinh thái nước mặn - ngọt là điều kiện lý tưởng cho con tôm và cây lúa phát triển. Ở đây mới tạo ra gạo ST24, ST25 ngon nhất thế giới.
Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Những phần dinh dưỡng, phân tôm và floc từ mùa nuôi tôm bồi đắp lên thửa ruộng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng.
Mô hình tôm - lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch được 5-8 tấn lúa và 300-1.000 kg tôm. Như vậy, mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/ha nếu canh tác thành công.
“Vua tôm” Minh Phú nhấn mạnh, chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất.
Chính đặc điểm độc đáo, mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên này đã giúp mô hình tôm - lúa trở nên bền vững, gần gũi với môi trường của vùng ĐBSCL.
Theo ông, mô hình tôm - lúa nếu như triển khai như hiện tại thì hầu như không cần vốn. Bởi, người nông dân chỉ cần dùng tiền mua lúa giống và tôm giống, số tiền đầu tư này rất nhỏ nhưng đã đem lại doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha mỗi năm.
Song, để đạt được con số 1-2,5 tỷ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn. Nhiều hộ liên kết với nhau lại thành tổ hợp tác và nhiều tổ hợp tác liên kết với nhau thành hợp tác xã kiểu mới. Khi đó sẽ cần nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh cấp - thoát nước, đường giao thông nội bộ để cơ giới hóa trong khâu giống, trong khâu thu hoạch nhằm giảm chi phí đồng thời tăng năng suất, tăng sản lượng lên gấp 2-10 lần.
Ông tính toán, nếu làm cánh đồng tôm - lúa lớn cần 0,5-1 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho 1ha. Cả vùng ĐBSCL hiện có 200.000ha thì cần 100.000-200.000 tỷ đồng, và khả năng ĐBSCL có thể phát triển lên 1 triệu ha tôm - lúa thì cần số vốn đầu tư tương ứng.
Thực tế, với mô hình tôm - lúa thuận thiên khó khăn nhất hiện nay là các thửa ruộng nhỏ lẻ nên không cơ giới hóa được. “Do đó, trồng ra được cây lúa thuê người gặt rồi vác thóc về nhà tiền công còn cao hơn tiền bán lúa”, ông nói.
Chính vì vậy, chúng ta cần liên kết hợp tác để tạo thành thửa ruộng lớn 7-10ha, cần những cánh đồng mẫu lớn 1.000-10.000ha. Vận động người nông dân liên kết hợp tác thành tổ hợp tác, nhiều tổ hợp tác thành HTX kiểu mới thì doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng đến 10 lần.
“Vua tôm Minh Phú” cho biết, phía tập đoàn của ông đã và đang hợp tác với các địa phương cùng bà con nông dân triển khai và phát triển mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận ASC/BAP/hữu cơ, sinh thái với mục tiêu phủ khắp ĐBSCL, giúp bà con nông dân bán được giá cao hơn trên thị trường.
Mô hình này không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế và xã hội cho người dân địa phương. Thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm trên 1ha đất sẽ giúp người nông dân có thể ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình, không phải rời bỏ nghề nông để đi làm công nhân ở thành thị, ông chia sẻ.
(Theo vietnamnet.vn)