Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm liên tiếp do Covid

(vasep.com.vn) Trong khi các thị trường lớn như Mỹ, EU mở cửa trở lại và tăng mạnh NK thuỷ sản của Việt Nam thì việc Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra virus corona đối với hàng thuỷ sản đông lạnh NK từ các nước khiến cho XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này giảm liên tiếp trong 2 tháng qua. Do vậy, XK thuỷ sản sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2021 giảm 6%, đạt 405 triệu USD.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm liên tiếp do Covid

Từ tháng 4/2021, XK thuỷ sản sang Trung Quốc giảm 11%, sang tháng 5 tiếp tục giảm sâu hơn, giảm 22%. Trong đó, XK giảm sâu ở tất cả các nhóm sản phẩm chính: tôm giảm 35%, cá biển khác (trừ cá ngừ) giảm 23%, cá tra giảm 5%.

Tính đến hết tháng 5, XK tôm sang Trung Quốc giảm 19% đạt 137 triệu USD, chiếm 34% giá trị XK thuỷ sản sang thị trường này. Cá tra đã vượt tôm, chiếm 41% đạt 165,5 triệu USD, tăng nhẹ 2%. XK các loại cá biển giảm 5% đạt gần 70 triệu USD và chiếm 17% tổng XK thuỷ sản. Những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (tăng lần lượt 60% và 20%) nhưng lại chiếm tỷ trọng kim ngạch rất nhỏ, dưới 1%.  

Tăng xuất khẩu hàng chế biến, giảm sản phẩm đông lạnh

Tác động của đại dịch Covid  và động thái của Trung Quốc đã tạo ra 2 xu hướng rõ nét trong XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này: kim ngạch các sản phẩm tươi/đông lạnh giảm mạnh, XK hàng khô, hàng chế biến tăng.

Theo đó, XK tôm sú tươi/sống/đông lạnh giảm sâu 25% trong tháng 5 và giảm 26% trong 5 tháng đầu năm đạt 46 triệu USD, trong khi tôm sú chế biến tăng 278% đạt 1,4 triệu USD.

Những năm trước đây, tôm sú thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK tôm sang Trung Quốc (90-94%) nhưng đến năm 2020 chỉ còn chiếm 25%, đổi lại là sự gia tăng của tôm chân trắng và tôm biển, trong đó tôm chân trắng chiếm 39% và tôm biển chiếm 36%. 5 tháng đầu năm nay, tôm sú chiếm 35% tổng XK tôm sang Trung Quốc.

XK tôm chân trắng đông lạnh sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm tăng 2% đạt 67 triệu USD, trong khi XK tôm chân trắng chế biến tăng 173% đạt trên 6 triệu USD. Tôm chân trắng chiếm 54% tổng XK tôm.

XK tôm biển sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2020 chiếm 22% XK tôm, năm nay chỉ chiếm 11% với 15,6 triệu USD, giảm 58%, do XK tôm đông lạnh giảm 85%. Bù lại, XK tôm khô tăng gấp gần 6 lần, tôm chế biến tăng 67%.

Đối với cá tra, XK sản phẩm phile đông lạnh giảm 12% trong 5 tháng đầu năm, đạt 118 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh tăng mạnh 78% đạt gần 47 triệu USD.

Đối với các loại cá biển khác XK (trừ cá ngừ), cá khô là dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất, chiếm 50% kim ngạch XK các loại cá biển với 35 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng gần 6%, tuy nhiên trong tháng 5, XK cá khô sang Trung Quốc giảm sâu 48%. Các sản phẩm cá chế biến khác tăng 53%, trong khi XK cá tươi đông lạnh giảm 42%.

XK các sản phẩm chả cá và surimi cũng tăng mạnh 43% trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm đạt 23 triệu USD, tăng 13%.

Động thái của Trung Quốc tác động đa chiều với thuỷ sản Việt Nam

Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt hàng NK, ngoài lý do liên quan đến Covid còn có nguyên nhân nội tại: XK thuỷ sản của chính Trung Quốc cũng sụt giảm vì Covid và vì chiến tranh thương mại với Mỹ - thị trường NK lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, theo một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thuỷ sản nước này tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu trong nước.

Từ tháng 7/2020 đến nay, Trung Quốc liên tục thông báo phát hiện dấu vết virut corona trong bao bì thuỷ sản nhập khẩu, sau đó là lệnh đình chỉ nhập khẩu đối với các công ty xuất khẩu có liên quan, chủ yếu là tôm từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… và cá hồi, cá minh thái từ Nga.

Từ 11/9/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ra quy định mới, các nhà xuất khẩu đồ đông lạnh sẽ bị cấm xuất khẩu hàng sang Trung Quốc trong 1 tuần nếu xét nghiệm axit nucleic với sản phẩm của họ cho ra kết quả dương tính với virus corona chủng mới trong lần đầu tiên hoặc thứ hai. Nếu sản phẩm đông lạnh tiếp tục dương tính với virus corona chủng mới trong lần thứ ba hoặc nhiều hơn, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ chịu lệnh cấm trong vòng 4 tuần.

Những nước bị cuốn vào “vòng xoáy” của Trung Quốc gồm Ấn Độ, Ecuador, Nga, Mỹ và Việt Nam...

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm tôm đông lạnh của Ecuador, thị trường lớn thứ 2 của tôm Ấn Độ. Sau khi bị “quăng quật” vì thị trường Trung Quốc, cả hai nhà sản xuất tôm lớn đều tính chuyện giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, chuyển hướng sang thị trường Mỹ và EU đang hồi phục mạnh mẽ sau hơn một năm bị kìm nén. Cả Ecuador và Ấn Độ đều có kế hoạch đẩy mạnh sơ chế và chế biến sâu sản phẩm tôm để đáp ứng nhu cầu của thị trường Mỹ, thay vì tập trung xuất nhiều tôm nguyên liệu đông lạnh như trước kia. Dù hai nhà sản xuất này không thể thay đổi “trong chớp mắt” để có thể cạnh tranh với tôm Việt Nam nhất là ở phân khúc tôm chế biến sâu và tôm sú, tôm sinh thái, nhưng sẽ lại đối thủ cạnh tranh ở phân khúc tôm đông lạnh. Đặc biệt là tôm chân trắng thịt (PD) đang là sản phẩm tôm NK nhiều nhất vào Mỹ và Ấn Độ đang giữ vị trí số 1 trong phân khúc này, trong khi Việt Nam đứng thứ 3 sau cả Ecuador.  

Đối với Nga và Mỹ, thị trường Trung Quốc là điểm đến của các sản phẩm cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái Alaska chủ yếu là nơi chế biến và tái xuất hoặc xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, các tàu chở cá minh thái của Nga hầu như bị tắc nghẽn tại các cảng NK của Trung Quốc và một số tàu bị cấm cập cảng vì Covid.

4 tháng đầu năm nay, NK cá minh thái của Trung Quốc giảm 83% đạt mức 64 nghìn tấn, do tình trạng trì trệ tại Đại Liên và Thanh Đảo - hai trung tâm chế biến thủy sản lớn của Trung Quốc - chế biến khoảng 40% tổng số cá minh thái thành phẩm trên toàn cầu, chủ yếu để xuất khẩu.

Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt sản phẩm cá minh thái chế biến trên thị trường Mỹ và châu Âu trong năm nay. Đây có thể là cơ hội cho cá tra Việt Nam, bù đắp cho thiếu hụt nguồn cá thịt trắng trên thị trường EU và thị trường Mỹ.

Ngoài ra, khó khăn của ngành chế biến Trung Quốc có thể dẫn đến sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến cá thịt trắng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đang gia công, chế biến cá minh thái xuất khẩu đi Nhật Bản và Mỹ với giá trị 22 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, chế biến XK cá tuyết đi châu Âu, Anh, Mỹ, Canada với gần 20 triệu USD.

"Tiếng chuông cảnh báo" khi diễn biến Covid còn phức tạp

Mới đây, cảng Trạm Giang, một cảng trung chuyển hàng hoá lớn của Trung Quốc thông báo ngừng thông quan thuỷ sản từ Việt Nam và 10 nước châu Á từ ngày 20/6-15/7, đó thực sự là một "tiếng chuông cảnh báo" với Việt Nam khi mà diễn biến Covid trong nước đang phức tạp.

Trong hơn 1 năm qua, Việt Nam được các nhà NK thế giới tìm đến như là một nguồn cung cấp thuỷ sản tin cậy, vì kiểm soát Covid tốt, sản lượng sản xuất và chế biến ổn định, chất lượng đảm bảo, trong khi Ấn Độ, Thái Lan và một số nước sản xuất khác bị ảnh hưởng nặng nề.

Việt Nam sẽ phát huy tốt các cơ hội và lợi thế nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid, tránh để lây lan ở các khu công nghiệp nhất là tại các nhà máy chế biến thuỷ sản. Vì thông báo của cảng Trạm Giang cũng có thể là “khởi đầu” cho các cảng khác hoặc các nước khác có động thái tương tự với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nếu chúng ta không nhanh chóng ngăn chặn Covid bùng phát.

Trước tình hình này, việc triển khai sớm và nhanh tiêm phòng vắcxin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy chế biến thuỷ sản là rất cấp bách. Vì khi một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly, không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất-kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam.

Chia sẻ:


Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục