Dù dự báo không mấy tích cực về thị trường, song các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vẫn kỳ vọng tín hiệu khởi sắc sẽ đến sớm từ quý I/2023.
Thủy sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đang đối diện tình thế khá bất lợi. Trái với dự báo kim ngạch xuất khẩu quý IV/2022 sẽ cải thiện hơn so với quý III, kết quả xuất khẩu toàn ngành thủy sản trong tháng 10 và tháng 11 cho thấy tình hình không mấy khả quan.
Thậm chí theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 12 sẽ còn giảm sâu hơn và đà sụt giảm có thể kéo dài sang năm 2023.
Bất ngờ gặp khó
Số liệu từ VASEP cho thấy, tháng 11/2022 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD. Trước đó vào tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản tuy vẫn giữ được đà tăng 2% so với cùng kỳ, song tốc độ tăng trưởng cũng đã giảm nhanh trái ngược hẳn với dự báo.
Theo đó, trong tháng 11 vừa qua, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ (các nhóm hàng chủ lực) đều giảm sâu từ 20 - 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%, song đây đều là những nhóm hàng có tỷ trọng nhỏ.
Chuyển hướng chiếm lĩnh thị phần cao cấp thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ
Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu thuỷ sản đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này chủ yếu là nhờ tăng trưởng mạnh trong ba quý đầu năm với những thuận lợi về nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng và nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.
VASEP cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến đơn hàng sụt giảm, tỷ lệ tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm.
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như: tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như: tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá… sức cầu cũng đều bị giảm đáng kể trong quý tới.
Ngoài ra, cạnh tranh ngày một gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador, Ấn Độ cũng ảnh hưởng tới đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định, trong tháng 12 xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm có thể còn kéo dài sang năm 2023.
“Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ”, bà Hằng cho biết thêm.
Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc CTCP thuỷ sản Ngọc Xuân, tỉnh Tiền Giang cho hay, hiện nay thị trường châu Âu đang giảm mua mặc dù giá cả đã thiết lập đỉnh và cũng đang giảm. Đơn cử, đối với mặt hàng cá tra, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 10 đã giảm khoảng 13% so với mức giá cao hồi tháng 5. Bà Ánh nhận định tình thế khó khăn này sẽ còn kéo dài tới hết quý I sang năm.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng có phần bi quan hơn khi cho rằng, tới hết quý II sang năm tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Phước cho biết, năm 2022, công ty này dự kiến đạt khoảng 135 triệu USD doanh thu xuất khẩu, tăng khoảng 35% so với năm 2021. Mặc dù đặt mục tiêu duy trì mức doanh thu tương ứng trong năm 2023, song ông Lĩnh thừa nhận đây sẽ là một mục tiêu đầy thách thức đối với doanh nghiệp.
"Doanh số xuất khẩu bị chững lại khi khách hàng từ chối đặt hàng do sức mua của người dân ở nước họ sụt giảm nghiêm trọng", ông Lĩnh giải thích.
Chậm lại để tái cơ cấu, đổi mới quản lý
Dù dự báo không mấy tích cực về thị trường, song các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vẫn kỳ vọng tín hiệu khởi sắc sẽ đến sớm từ quý I/2023. Các yếu tố hỗ trợ cho nhận định này là việc Trung Quốc có thể mở cửa mạnh mẽ trở lại từ quý I khi dịch Covid-19 tại nước này được kiểm soát.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế lớn trên thế giới trong năm 2023 sẽ tốt dần lên, khiến xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng được nới dần. Tuy nhiên, để có thể vực dậy thì điều cần thiết nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trong nước là quản trị hệ thống.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, để giữ đà tăng trưởng, chiến lược của ngành thủy sản năm 2023 sẽ phải chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, việc tập trung vào nuôi trồng sẽ giúp cải thiện chất lượng nguồn nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu được truy xuất nguồn gốc. Yêu cầu khác là đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các thị trường một cách linh hoạt.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cũng nhấn mạnh, hiện nay các thị truờng nhập khẩu thủy sản lớn đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Các nước xuất khẩu thủy sản đối thủ cũng không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Đối với cá tra, hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và một số nước đã và đang đầu tư rất mạnh vào sản xuất, sẽ phá thế độc quyền của Việt Nam trong tương lai không xa. Điều đó cho thấy Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng giá rẻ mà phải tiến thêm một nấc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Vì vậy, năm 2023 là thời điểm doanh nghiệp tự tái cơ cấu, quản trị hàng tồn kho, đầu tư tập trung tốt hơn. Hiện lĩnh vực chế biến thủy sản của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thế giới, do đó doanh nghiệp cần chuyển hướng chiếm lĩnh thị phần cao cấp để nâng tỷ suất lợi nhuận cho các sản phẩm chế biến.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP khuyến nghị một vấn đề khác là cần gia tăng liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người nuôi để trên cơ sở đó tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, cải tiến chất lượng tốt hơn nữa thông qua cải tiến công nghệ.
Đánh giá tổng quan về bối cảnh năm 2023, ông Hoè cho rằng hiện nay kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá khá tốt nên các doanh nghiệp ngành xuất khẩu thuỷ sản không bị ảnh hưởng nhiều giống như giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Vì vậy, không nên quá bi quan mà quan trọng là cần lên kế hoạch cầm cự như thế nào để có khả năng đón bắt cơ hội sắp tới khi thị trường khởi sắc trở lại.
Bảo Ngọc (Theo Thời báo ngân hàng)