Vượt khó Covid-19, ngành thuỷ sản 'minh chứng rõ nhất cho việc hội nhập thành công'

Đối diện với muôn vàn khó khăn, các chuyên gia đánh giá ngành thuỷ sản vẫn trụ vững trong đại dịch Covid-19, minh chứng rõ nhất cho việc hội nhập thành công của kinh tế nước ta.

Ngành thuỷ sản trụ vững trong đại dịch Covid-19

Tại toạ đàm "Xuất khẩu thủy sản bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - Nhìn lại một số trường hợp tiêu biểu" ngày 28/12, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong năm 2021 cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã gánh chịu áp lực tiêu cực rõ rệt từ đại dịch Covid-19.

vuot kho covid 19 nganh thuy san minh chung ro nhat cho viec hoi nhap thanh cong hinh 1

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - Ảnh chụp màn hình

Cụ thể là vấn đề thiếu lao động tham gia sản xuất từ khâu chế biến, khai thác biển đến nuôi, thu hoạch. Khi sản xuất ra, hàng hoá cũng bị "nghẹt" hoàn toàn. 

"Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tích trữ trong kho đông lạnh, mà kho là hữu hạn, không thể tích trữ hơn được. Khi đó, tôm, cua, cá sẽ bị quá cỡ hoặc cung sẽ vượt cầu rất khó khăn cho người dân và nhà máy", ông Nam nêu.

Bên cạnh đó, không có đủ hàng hoá để xuất khẩu hoặc bị chậm trễ về thời gian. Chi phí bị tăng lên rất lớn khiến doanh nghiệp càng thêm đau đầu. 

"Đó là chí phí duy trì lao động, duy trì máy móc, định phí trên đầu sản phẩm tăng lên rõ rệt. Chính vì thế, quý 3/2021 cộng đồng doanh nghiệp thủy sản gặp phải áp lực rất lớn, đặc biệt doanh số tụt rất mạnh, giảm hơn 20%. Chưa bao giờ chúng tôi bị giảm mạnh như vậy", Phó Tổng thư ký VASEP chia sẻ.

Đối diện với rất nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ càng thấy rõ hơn sự dẻo dai và nỗ lực vượt khó của người nông dân, ngư dân để đảm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu.

Ông Thuỷ đồng thời đánh giá cao năng lực và sự nhạy bén của cơ quan quản lý Nhà nước vì đã rất nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội để bứt tốc đưa ra quyết định trong quý 4/2021, giúp ngành thuỷ sản tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

"Tôi có thể tự tin nói rằng, so với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thì ngành thủy sản đi theo chuỗi giá trị liên kết dọc đã đạt được những thành tựu rất tốt. Đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đang có ở 165 đến 180 nước trên thế giới", chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ nhấn mạnh ngành thuỷ sản vẫn trụ vững trong đại dịch Covid-19.

Nhiều thách thức trong năm 2022

Dù vậy, ông Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong 2022.

"Thị trường Mỹ, Eu là một trong hai thị trường chúng ta cần lưu tâm. Còn Ecuadua là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam. Về khu vực sản xuất, hiện nay người dân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn hay sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi...", ông Thuỷ chỉ ra. 

Bên cạnh đó là biến đổi khí hậu, năm 2022 được dự báo khí hậu sẽ biến đổi phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc EU chưa gỡ thẻ vàng càng tạo thêm áp lực cho ngành thuỷ sản nước ta.

Cuối cùng, nếu dịch bệnh còn kéo dài, công nghệ hỗ trợ chưa đồng bộ thì việc sản xuất, đóng gói và xuất hàng sẽ còn nhiều khó khăn.

vuot kho covid 19 nganh thuy san minh chung ro nhat cho viec hoi nhap thanh cong hinh 2

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương) - Ảnh chụp màn hình

Ghi nhận những kết quả tích cực của ngành thuỷ sản trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh sẽ phát huy tốt hơn nữa trên cơ sở lợi thế trong thời gian tới.

Song, để có thể ứng phó với các thách thức, ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, VASEP, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục thực hiện định hướng để có thể ứng phó hiệu quả với các rào cản phòng vệ thương mại. 

"Cụ thể, tiếp tục theo dõi sát nhưng diễn biến tại các thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là Hoà Kỳ. Thứ nữa, phải phối hợp đoàn kết giữa các bên liên quan. Trong đó, kinh nghiệm rất lớn của ngành thuỷ sản, thép... trong việc có thể ứng phó hiệu quả đối với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Cuối cùng, nên tập trung định hướng nâng cấp quản lý và phát triển nghành nguyên liệu của mình để chúng ta có thể khai thác hiệu quả các cam kết về hội nhập", Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nêu.

Ông Dũng cho rằng, với định hướng, nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp... ngành thuỷ sản nước ta là minh chứng rõ nhất cho việc hội nhập rất thành công.

(Theo báo Công luận)

Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục