Thủy sản năm 2022: Phải thích ứng được với tất cả các thị trường

Mặc dù gặp nhiều khó khăn thời gian qua nhưng ngành thủy sản vẫn vượt kế hoạch xuất khẩu đề ra, đạt 8,89 tỷ USD trong năm 2021. Bước sang năm 2022, một trong những giải pháp để ngành thủy sản tiếp tục đà xuất khẩu cao hơn đó là cần thích ứng được với tất cả các thị trường.

Xung quanh về những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong năm 2021 và định hướng phát triển trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Thứ trưởng cho biết về những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong năm 2021 sau khi gặp khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết từ tháng 1-7/2021, chúng ta duy trì được đà tăng trưởng về xuất khẩu thủy sản, nhưng cuối tháng 7, tháng 8, tháng 9, đầu tháng 10, chúng ta gặp khó khăn và xuất khẩu xuống dốc rất nhanh. Tuy nhiên, trước tình hình đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 105 về hỗ trợ một phần tiền điện, lãi suất ngân hàng,... Thứ nữa, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị với Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã họp bàn về ba nội dung quan trọng gồm: sản xuất, lưu thông và phân phối nông sản. Từ đây, chúng ta đã có một bước chủ động, khi khống chế được dịch COVID-19 thì các biện pháp được triển khai và áp dụng ngay và chúng ta gỡ được khó khăn trong lưu thông, tổ chức sản xuất và phân phối. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT triển khai một loạt các hội nghị để chỉ đạo cũng như tổ chức các đoàn đến các tỉnh để kiểm tra đôn đốc và tháo gỡ khó khăn. Như vậy trong khoảng thời gian tháng 10, 11, 12, chúng ta đã lấy lại được đà tăng trưởng và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giá trị xuất khẩu thủy sản vượt lên trên 8,5 tỷ USD và đạt con số đạt 8,89 tỷ USD trong năm 2021.

PV: Nền kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong bối cảnh bình thường mới, vậy, Thứ trưởng có dự báo như thế nào về tiềm năng xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm tới?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thủy sản Việt Nam năm 2021 với những khó khăn chung của cả nền kinh tế, của cả ngành nông nghiệp và của riêng ngành nhưng chúng ta đã vượt lên phía trước, xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD, góp phần vào thực hiện mục tiêu xuất khẩu của Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp với 42 tỷ USD.

Sang năm 2022, hướng xuất khẩu thủy sản cũng vẫn rất rõ bởi chúng ta đã có Chiến lược thủy sản, 10 đề án thực hiện Chiến lược, trong đó có cả về khai thác và nuôi. Về giá trị xuất khẩu thủy sản, sang năm 2022 sẽ phấn đấu đạt 9 tỷ USD. Đây là mục tiêu mà Tổng cục Thủy sản đưa ra, tuy nhiên Bộ NN&PTNT sẽ cân nhắc trên cơ sở chỉ tiêu của Chính phủ giao. Chúng tôi sẽ phấn đấu hết sức quyết liệt để đạt được mục tiêu đó.

PV: Những thị trường xuất khẩu của chúng ta ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm thủy sản. Vậy, về phía ngành NN&PTNT sẽ có những chỉ đạo như thế nào trong thời gian tới để chúng ta đáp ứng được những yêu cầu này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết chúng ta thấy tái cơ cấu góp phần mang lại giá trị gia tăng và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản. Tái cơ cấu chính là nền tảng để phục vụ cho cả tiêu thụ trong nước và kể cả xuất khẩu. Các thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc,...khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, chúng ta đã biết về yêu cầu các thị trường này.

Các thị trường đều có các quy chuẩn riêng, vậy thì các doanh nghiệp, các trang trại, người nông dân bây giờ mang ra thị trường bán những sản phẩm mà các nước khác cần mà không phải mang ra thị trường bán những gì chúng ta có. Sự bắt nhịp của chúng ta rất nhanh, chính vì thế, chúng ta có giá trị xuất khẩu năm 2021 rất lớn. Thứ nữa chúng ta có 196 thị trường ở các nước và vùng lãnh thổ, do đó, chúng ta có niềm tin vào sản xuất của các doanh nghiệp, trang trại của người nông dân. Tuy vậy, các yêu cầu của các thị trường liên tục thay đổi và chúng ta phải đủ năng lực để phản ứng với những thay đổi đó để duy trì đà tăng trưởng, duy trì giá trị xuất khẩu mỗi một năm cao hơn.

PV: Chúng ta được hưởng ưu đãi từ nhiều hiệp định thương mại tự do khác nhau, trong đó nông sản nói chung và ngành thủy sản nói riêng được hưởng lợi rất nhiều. Vậy bước sang năm 2022 và thời gian tới, làm thế nào để chúng ta tận dụng được tốt hơn những ưu đãi này thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngoài tái cơ cấu trên 3 trục sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và sản phẩm OCOP, chúng ta tập trung vào hạ tầng, tập trung vào khoa học công nghệ, tập trung vào thủy lợi và phòng chống thiên tai, chế biến,...Tất cả những giải pháp đấy sẽ giúp cho nông nghiệp Việt Nam chuyển nhanh sang theo hướng làm kinh tế nông nghiệp. Đồng thời một nguồn lực rất lớn mà chúng ta đã xác định là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng vì mỗi thị trường nhập khẩu thủy sản của chúng ta  và nông sản nói chung đều phải truy xuất nguồn gốc, đều phải an toàn thực phẩm và phòng chống được dịch bệnh. Hiện nay, chúng ta phải thích ứng được với tất cả các thị trường.

PV: Trong thời gian tới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vậy Thứ trưởng cho biết, ngành thủy sản sẽ thích ứng với tình hình này như thế nào trong năm 2022 cũng như rào cản từ các thị trường?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: WHO dự báo năm 2022 là năm mà dịch bệnh sẽ được khống chế. Như chúng ta biết khi mà dịch bệnh được khống chế một bước nhờ việc tiêm vắc xin, tốc độ kinh tế của châu Âu có sự tăng trưởng. Do đó, chúng ta phải bắt nhịp được với sự tăng trưởng này, phải có sự thay đổi trong chỉ đạo sản xuất, cũng như thực hiện các cơ chế chính sách. Về thị trường Mỹ, Mỹ nhiều năm đã công nhận Việt Nam có sản xuất cá tra tương đương với trình độ của Mỹ, đây là một thuận lợi chúng ta  cần duy trì. Thứ hai là, chúng ta ta phải tập trung nguồn lực và triển khai một cách đồng bộ các giải pháp để gỡ được thẻ vàng để thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu với sản lượng và giá trị lớn hơn, đồng thời, giúp giảm bớt thủ tục như quy định hiện nay với việc kiểm soát 100% lô hàng, qua đó, mở cửa cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào châu Âu được thuận lợi hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

(Theo dangcongsan)

Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục