NĂM 2022, XUẤT KHẨU THỦY SẢN GHI NHẬN NHIỀU KỶ LỤC

(vasep.com.vn) Ngày 10/12 vừa qua, Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp thủy sản đã tổ chức Lễ mừng XK thủy sản đạt 10 tỷ USD với niềm tự hào về kết quả thành công của một chặng đường chinh phục thị trường thế giới hơn 20 năm qua. Có thể nói năm 2022 là một năm nhiều kỷ lục của ngành thủy sản. XK thủy sản kỷ lục 11 tỷ USD, trong đó ngành tôm kỷ lục với doanh số trên 4,3 tỷ USD. XK cá tra sẽ đạt 2,4 tỷ USD, cao kỷ lục và tăng trưởng hàng năm kỷ lục 70%. Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD.

Không chỉ kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản XK còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Trong đó, XK sang Mỹ sẽ về đích với hơn 2,1 tỷ USD.

Thị trường Trung Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản NK từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 57%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường NK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.

Tuy nhiên về tỷ trọng cả Nhật Bản và Trung Quốc đều chiếm 16% giá trị XK thủy sản của Việt Nam. So với năm 2021, XK thủy sản sang Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối cao 31%.

31% cũng là mức tăng trưởng của cả khối thị trường CPTPP trong năm 2022. Ước tính XK thủy sản sang khối thị trường này đạt gần 2,9 tỷ USD trong năm nay, chiếm hơn 26% tỷ trọng XK thủy sản của Việt Nam. Lợi thế về thuế quan tại các nước trong khối này đã được các DN Việt Nam tận dụng hiệu quả, khi mà lạm phát làm giảm sức tiêu thụ và tăng áp lực cạnh tranh trên nhiều thị trường.

Các nước ASEAN cũng là điểm đến tiềm năng và thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản trong năm nay với mức tăng trưởng 27% dự kiến mang về doanh số 767 triệu USD, chiếm 7% XK của cả nước. Lợi thế về vị trí địa lý và sự ổn định kinh tế của khu vực này là động lực để các DN đẩy mạnh XK trong năm nay.

XK sang EU và Hàn Quốc tính đến hết tháng 11 đều ghi nhận tăng trưởng cao 26% và 22%. Dự kiến hết năm nay, hai thị trường này sẽ mang về lần lượt 1,3 tỷ USD và trên 950 triệu USD, đều là những kết quả cao kỷ lục.

Những thuận lợi của năm 2022 như nhu cầu cao, giá XK tăng, nguồn cung ổn định đã và sẽ không còn tiếp tục trong quý IV năm nay và quý I năm tới. Lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước, khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh. Do vậy, dự báo XK quý I năm 2023 sẽ sụt giảm đáng kể so với quý IV và so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn có những hy vọng lạc quan vào tín hiệu tốt từ một số thị trường có nền kinh tế ổn định hơn, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn như ASEAN, Trung Đông và khối các nước CPTPP.

Đặc biệt là, việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng NK như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho XK sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Sức tiêu thụ của một đất nước 1,5 tỷ dân sẽ không thể được đáp ứng kịp bằng nguồn cung trong nước đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách zero – Covid. Đó sẽ là cơ hội và lợi thế cho các DN Việt Nam trong thời gian tới.

Nhưng quan trọng hơn cả là doanh nghiệp thủy sản cần được tiếp sức để chuẩn bị nguồn lực, nguyên liệu, vốn sản xuất và các điều kiện, để khi thị trường ổn định và hồi phục thì có thể nhanh chóng gia tăng XK, giành thị phần trước các đối thủ khác cũng đang khá mạnh như Ecuador, Ấn Độ trên thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

Có môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, thì sự nỗ lực, sự năng động, linh hoạt của DN thủy sản sẽ tiếp tục được phát huy để tiếp tục mang lại doanh số XK khả quan trong năm tới.

Chia sẻ:


Lê Hằng
Giám đốc Truyền thông VASEP
Email: lehang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.204

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục