(vasep.com.vn) Chính sách thuế quan quyết liệt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang để lại những ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, buộc các tập đoàn đa quốc gia phải hạ mục tiêu kinh doanh, cảnh báo sa thải nhân sự và điều chỉnh lại chiến lược dài hạn, theo Reuters.
Isabelle Mateos y Lago, kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas (Pháp), nhận định: "Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ là một cú sốc tiêu cực nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn." Bà lưu ý mức thuế cơ sở hiện tại của Hoa Kỳ đang ở mức 10%, chưa kể các mức thuế ngành cao hơn đối với thép, nhôm và ô tô. “Mục tiêu của Hoa Kỳ có thể sâu hơn và cao hơn so với dự đoán ban đầu,” bà nói thêm.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đang cân nhắc đề nghị từ Washington về việc đàm phán mức thuế 145% mà Hoa Kỳ vừa áp, sau khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125%. Chính quyền Trump cũng tiết lộ đang tiến gần đến thỏa thuận với Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản để tránh áp thêm thuế trong những tuần tới.
Các doanh nghiệp lớn bắt đầu cảm nhận được áp lực. Hãng sản xuất đồ gia dụng Electrolux của Thụy Điển đã hạ dự báo doanh thu, trong khi Volvo Cars, Logitech và tập đoàn đồ uống Diageo đều tuyên bố từ bỏ mục tiêu kinh doanh do bất ổn thương mại.

Tình hình này đang tác động rõ nét đến sản xuất toàn cầu. Sản lượng các nhà máy Trung Quốc trong tháng 4 sụt giảm mạnh nhất trong 16 tháng, còn xuất khẩu của các nhà máy Anh chứng kiến mức giảm sâu nhất trong gần 5 năm. Các nhà máy tại Đức được cho là đang tăng tốc “tải trước” – đẩy mạnh sản xuất để tránh các mức thuế sắp áp dụng – một chiến lược mà các chuyên gia cảnh báo có thể gây ra “cú sốc ngược” trong những tháng tới.
Ấn Độ, quốc gia chịu thuế thấp hơn Trung Quốc và đang được Apple chuyển một phần sản xuất sang, có thể trở thành bên hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. “Ấn Độ đang ở vị thế tốt để thay thế Trung Quốc trong vai trò nhà cung cấp hàng hóa cho Hoa Kỳ,” nhà kinh tế Shilan Shah tại Capital Economics nhận định.
Theo các nhà phân tích, chính sách thuế quan của Trump đang tạo ra một “cú sốc cầu” đối với nền kinh tế thế giới – khiến hàng nhập khẩu vào Mỹ đắt đỏ hơn, kìm hãm tiêu dùng và làm chậm đà tăng trưởng ở nhiều quốc gia khác. Dù vậy, hệ quả này cũng góp phần giảm áp lực lạm phát toàn cầu, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương như Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.