Xuất khẩu thủy sản vượt vũ môn

Nếu như đầu năm 2017, ngành thủy sản dè dặt đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 7,4 tỷ USD, thì nay, ngành này đang tự tin có thể cán mốc 8 tỷ USD khi nhiều thị trường xuất khẩu mới ghi nhận sự tăng trưởng đột phá.

Nỗ lực vượt khó

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản đã gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2017. Chẳng hạn, đối với tôm, doanh nghiệp xuất khẩu tôm lao đao với lệnh cấm nhập tôm chưa chế biến từ Úc (có hiệu lực từ 9/1/2017). Hay với cá tra, xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá, xuất khẩu sang thị trường EU cũng gặp bất lợi vì tin đồn cá tra Việt Nam được nuôi ở những vùng nước không sạch…

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đã đối diện với sự cạnh tranh trong hơn 10 năm nay. Để vượt qua khó khăn, theo ông Hòe, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngoài chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, khẳng định sản phẩm sạch, còn đẩy mạnh tìm kiếm thêm các thị trường mới.

Nhằm bảo vệ con cá tra trước các thông tin thất thiệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu. Lãnh đạo CTCP Gò Đàng cho biết, người châu Âu rất thích cá tra Việt Nam vì nhiều chất dinh dưỡng, thơm ngon lại không có xương ngang, giá cả hợp lý, nhưng sản phẩm này đang chịu thiệt thòi vì yếu về thương hiệu.

“Đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá, nâng giá trị sản phẩm là điều các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên đặc biệt chú trọng”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

ảnh 1

 

Để xuất tôm sang Úc, tôm chưa chế biến đã được kiểm tra và xác định không có virus đốm trắng (WSSV) và đầu vàng (YHV). Khi cập cảng tại Úc, con tôm thêm một lần được kiểm tra âm tính với WSSV và YHV trong phòng thí nghiệm, trước khi được phân phối ra thị trường.

Theo đó, lệnh cấm nhập khẩu dần được nới lỏng, xuất khẩu tôm vào thị trường này đã phục hồi kể từ quý II/2017. Mới đây, ngày 21/11, Úc bắt đầu cho nhập khẩu tôm chưa nấu chín.

Thời gian gần đây, nhờ cải thiện được một số điểm yếu và đẩy mạnh tiếp thị, hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU - một trong những thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, cũng có nhiều tín hiệu vui. EU tăng cường nhập khẩu tôm và các mặt hàng thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao. Trong 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,17 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2016.

Tăng trưởng cao ở nhiều thị trường

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15/11/2017, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị trên 7,2 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2017 ước đạt 728,118 triệu USD.

Tại hầu hết các thị trường trọng điểm (45 thị trường), xuất khẩu thủy sản đều đạt tăng trưởng mạnh trong 10 tháng qua. Đặc biệt, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc có sự tăng trưởng đột biến, đạt gần 68%. 4 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Mỹ (chiếm 17,3% tổng kim ngạch), Nhật Bản (15,6%), Trung Quốc (13,3%) và Hàn Quốc (9%). Các nước Đông Nam Á nói chung chỉ chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch, đạt 492,43 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Bên cạnh các thị trường trọng điểm, có điểm đáng chú ý trong bức tranh ngành thủy sản năm nay là đà tăng mạnh tại các thị trường mới nổi như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin và Philippines, với mức tăng lần lượt 70%, 71%, 65% và 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Đan Mạch, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 10 tháng qua tăng trưởng 104%, đạt 57,79 triệu USD. Tuy giá trị kim ngạch không lớn, nhưng đây được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo VASEP cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ngành thủy sản có thể cán mốc 8 tỷ USD trong năm 2017, vượt mục tiêu đề ra là 7,4 tỷ USD và tăng 14% so với năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám từng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển khai thác thủy sản nuôi trồng, nhưng hiện năng suất khai thác bình quân trên mỗi m2 diện tích nuôi trồng còn thấp.

“Ngành cần cải thiện điểm yếu này, đồng thời tập trung phát huy thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra, cũng như chú trọng phát triển sản phẩm thủy sản là lợi thế của các địa phương”, ông Tám nói.

(Theo ĐTCK)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục