Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên gần đây với những khó khăn chung về tình hình thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang chạy khắp nơi tìm nguồn nguyên liệu, đáp ứng đơn hàng cho đối tác.
Theo Sở Công thương thành phố, 7 tháng đầu năm nay ngành thủy sản tăng trưởng 4-5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 106 triệu USD. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục đối mặt những khó khăn nhất định. Đó là rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...; giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng. Tuy những tháng đầu năm, mặt hàng tôm và các loại thủy hải sản trong nước đạt sản lượng đánh bắt và nuôi trồng cao, nhưng do tình trạng thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, bất kể tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại... đã khiến thị trường mất cân đối. DN chế biến, xuất khẩu thủy sản khó tìm kiếm nguồn nguyên liệu bảo đảm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản thương mại Thuận Phước (gọi tắt là Công ty Thuận Phước) nói: “Chúng tôi đang rất “đau đầu” với vấn đề nguyên liệu đầu vào vì không thể cạnh tranh lại với thương lái Trung Quốc do chi phí sản xuất quá lớn. Khi có chủ trương xây dựng chuỗi sản xuất nuôi tôm sạch (yêu cầu không sử dụng kháng sinh), chúng tôi đã đầu tư hệ thống nuôi tôm tiêu chuẩn cho nông dân và cam kết với họ sẽ thu mua 100% tôm sạch, nếu phát hiện có kháng sinh thì sẽ không mua. Thế nhưng, với sự thu mua ồ ạt với giá thành cao hơn từ 10-15% của thương lái Trung Quốc, chuỗi liên kết này trở nên lỏng lẻo”.
Đại diện một số DN xuất khẩu cho hay, các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… luôn có những tiêu chuẩn khắt khe và nâng cao hàng rào phi thuế quan. Do đó, các DN Việt Nam phải chọn lọc nguồn nguyên liệu bảo đảm 100% không tồn dư hóa chất kháng sinh, nếu không muốn bị trả hàng ngược lại. Là DN 100% vốn Nhật Bản, Công ty D&N Foods Processing Co.,LTD (Danifoods) có lợi thế xuất hàng cho thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hồng Kông… nên luôn tập trung thu mua nguyên liệu chất lượng cao. Ông Phạm Đăng Quang, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Danifoods cho hay: “Các đối tác của chúng tôi rất tuân thủ nguyên tắc chất lượng hàng hóa, chỉ cần có nghe những tai tiếng về môi trường hay vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là họ cắt hợp đồng ngay. Riêng đối tác Hoa Kỳ không chỉ kiểm tra nhiều loại giấy tờ mà còn qua tận Việt Nam để kiểm tra các công đoạn sản xuất. Hiện phía đối tác còn đặt nhiều đơn hàng có giá trị nhưng chúng tôi cũng không dám nhận thêm, thậm chí còn hủy đơn hàng vì khả năng nguồn nguyên liệu chất lượng hạn chế, hơn nữa giá cả nguyên liệu ngày một tăng cao do phải mua qua đầu nậu giá thành đội lên gấp 4-5 lần…”.
Tìm hướng gỡ khó
Là DN đầu tàu của Đà Nẵng và miền Trung trong xuất khẩu thủy sản, Công ty Thuận Phước đã xuất khẩu 35,6 triệu USD (tương đương 3.000 tấn) trong 6 tháng đầu năm 2017 (tăng 9% so với cùng kỳ). Giá trị kim ngạch lớn là vậy, nhưng cũng có thời điểm DN phải xoay xở đủ kiểu để đứng vững. Không chỉ tìm kiếm tại chỗ, Thuận Phước cũng như hàng chục DN khác tại Đà Nẵng phải chạy khắp các nơi trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn nguyên liệu bảo đảm sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đại diện các DN khẳng định, đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng những dịp lễ; thế nhưng, nếu tình trạng nguyên liệu thu mua không được cải thiện thì DN sẽ dễ bị “vỡ” hợp đồng. Đây cũng là điều khiến các DN xuất khẩu hết sức đắn đo trước sự lựa chọn ký hay không ký hợp đồng với đối tác. “Cuối năm, các thị trường nhập khẩu thường tăng lượng hàng lên do đó chúng tôi sẽ tìm hiểu mở rộng địa bàn thu mua, tìm các giải pháp liên kết với nông dân nuôi trồng thủy sản để cải thiện tình hình chất lượng nguyên liệu”, một đại diện DN cho hay.
Để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu theo chỉ đạo của UBND thành phố, hiện nay Sở Công thương tổ chức xúc tiến cho các đoàn DN tham gia các Hội chợ Thái Lan, Lào, Trung Quốc, kết nối thương mại với Belarus, Hoa Kỳ, Liên bang Nga…; đồng thời nghiên cứu các thị trường mới theo Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”.
Ông Vũ Tú Nam, Giám đốc Công ty Đồ hộp Hạ Long tại Đà Nẵng: “Đơn hàng không thiếu, nhưng chỉ lo đầu vào không đảm bảo”
“Với kho chứa và năng lực sản xuất như hiện nay, đơn vị chúng tôi vẫn chưa làm hết công suất. Chúng tôi cũng đã làm việc với Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang sẽ làm điểm thu mua hải sản trực tiếp của ngư dân. Trước đây, việc thu mua được họ chở tới còn bây giờ mình phải tự tìm nguồn hàng tại gốc. Nhưng cái khó bây giờ vẫn là nguyên liệu sạch để chế biến, nếu không mua được tại chỗ của ngư dân thì buộc phải đi các nơi khác. Tình hình xuất khẩu không gặp trở ngại gì lớn, đơn hàng thì không thiếu nhưng chỉ lo đầu vào không bảo đảm thôi…”.
(Theo báo Đà Nẵng)