Xây dựng chiến lược thủy sản tập trung trí tuệ các vùng miền

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải là chiến lược tập trung trí tuệ của các vùng miền.
Xây dựng chiến lược thủy sản tập trung trí tuệ các vùng miền
Trong thời gian tới, ngành thủy sản cần được xây dựng thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững.

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quy mô

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, ngành thủy sản cần được xây dựng thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả. 

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; đổi mới thể chế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tổ chức lại sản xuất.

Mục tiêu chung đến năm 2030 cần phải phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội...

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành thủy sản đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu chung đến năm 2030 cần phải phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Phạm Hiếu.
Mục tiêu chung đến năm 2030 cần phải phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản phải là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo.

Chiến lược thủy sản tập trung trí tuệ các vùng miền

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định chiến lược thủy sản đã được xây dựng một cách khẩn trương trên cơ sở đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện chiến lược những năm trước.

“Có thể thấy rõ một điều đó là hàng năm chúng ta phải chịu áp lực tăng trưởng từ 5 - 6%. Nhưng dư địa nào cũng chỉ đến độ thế nên rất cần phải có một chiến lược mới. Chiến lược này phải tập trung trí tuệ của tất cả các vùng miền. Vùng ĐBSCL và Cần Thơ, miền Trung, miền Bắc; các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề, các nhà khoa học, các chuyên gia… Tổng cục Thủy sản cần xắn tay cùng các đơn vị tư vấn để có được chiến lược đó”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Chiến lược phát triển thủy sản phải tập trung trí tuệ của tất cả các vùng miền. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Chiến lược phát triển thủy sản phải tập trung trí tuệ của tất cả các vùng miền.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ công bố đã nêu rõ những mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt. Trong đó cần lưu ý đặc biệt tới 11 đề án, chương trình.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xác định Tổng cục Thủy sản cần phải xây dựng, tổ chức kế hoạch thực hiện của Bộ. Bên cạnh đó Vụ Kế hoạch Tài chính, trên cơ sở những ý kiến đóng góp cần lên một kế hoạch cụ thể. Sau khi có được kế hoạch của Bộ, Tổng cục Thủy sản sẽ bàn và phân công cụ thể theo các đề cương càng sớm càng tốt.

“Chúng ta phải bàn bạc kĩ lưỡng, bám vào từng mục tiêu nhưng phải có giải pháp cụ thể. Nền tảng cho ngành thủy sản là nguồn lực đã được chuẩn bị cơ bản, đó cũng là điều kiện tiên quyết và khó khăn nhất. Bây giờ chúng ta chỉ cần tập trung vào những vấn đề cụ thể khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Các chương trình, đề án ưu tiên của ngành thủy sản

1. Đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá.

2. Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

3. Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.

4. Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản.

5. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.

6. Đề án phát triển chế biến và thương mại thủy sản.

7. Đề án phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong ngành thủy sản.

8. Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thủy sản.

9. Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản.

10. Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

11. Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.

(Theo Nông nghiệp VN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục