Sáng ngày 21/9, thông qua Tổng cục Thủy sản, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi làm việc nghe Công ty Cổ phần Viễn thông VTC trực thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam - VNPT giới thiệu với đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh về Hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản VNPT QMC. Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, giảm chi phí; quản lý được các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến thủy sản (nhiệt độ, màu sắc, độ trong, pH, oxy hòa tan, các ion hòa tan…); tăng lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, giúp nhà quản lý có cơ sở dữ liệu kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu thông qua việc giám sát chặt chẽ các chỉ số lý, hóa nhằm giảm sử dụng kháng sinh, loại bỏ tạp chất trong quá trình sản xuất, chế biến; nâng cao sản lượng, tăng giá trị xuất khẩu, nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam.
Tại cuộc họp, cán bộ kỹ thuật của Công ty VTC giới thiệu khái quát về Hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản VNPT QMC, với các thành phần chính: (1) Bộ điều khiển trung tâm dùng điện 220VAC hoặc năng lượng mặt trời, được đặt trong nhà; cho phép hiển thị các thông số môi trường của ao nuôi và điều khiển thiết bị theo ngưỡng giá trị cảm biến thông qua phần mềm VNPT QMC do Công ty VPC phát triển (2) Bộ cảm biến lắp trên phao tại ao nuôi, dùng điện 220VAC hoặc pin mặt trời; thiết bị, linh kiện do đối tác nước ngoài có uy tín cung cấp.
Theo đó, xét về quy trình vận hành hệ thống, Bộ điều khiển trung tâm sẽ nhận dữ liệu từ Bộ cảm biến bằng sóng điện từ, sử dụng Wifi hoặc GPRS để gửi dữ liệu về server qua internet, có 06 ngõ ra điều khiển thiết bị, gửi cảnh báo qua SMS và cho phép xem dữ liệu 24/24 bằng smartphone. Bộ cảm biến đo 5 thông số môi trường cần thiết (các thông số đo khác có thể thêm vào theo yêu cầu của khách hàng), như: Nhiệt độ nước (độ C); pH (đo từ 0 - 14); độ mặn (ppt); oxy hòa tan DO (ppt); NH3, (ppt); NO3 (ppt); sử dụng cảm biến chất lượng tốt, hoạt động chính xác và lâu dài. Ngoài ra, cho phép sử dụng Bộ điều khiển thiết bị không dây để xử lý từ xa, sử dụng adapter AC-DC, nhận lệnh từ Bộ điều khiển trung tâm bằng sóng điện từ, có 04 ngõ ra điều khiển thiết bị 220VAC.
Nhận định của Nhà tư vấn - Công ty VTC về những lợi ích của Hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản VNPT QMC: Nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản; cung cấp cho người nuôi trồng thủy sản phương tiện giám sát các thông số môi trường nước, giảm rủi ro; tăng chất lượng thành phẩm sau sản xuất; giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả sản xuất (cung cấp thông tin về lượng oxy chính xác giúp tiết kiệm điện cho việc chạy máy sục oxy); hỗ trợ điều khiển các thiết bị từ xa, tăng tính tiện lợi cho người nuôi trồng thủy sản; có khả năng cảnh báo các thông số môi trường nước qua SMS; lưu trữ thông số môi trường, hỗ trợ thống kê phục vụ sản xuất; cung cấp dữ liệu nguồn nước cho khách hàng, phục vụ xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra mà các cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm: Quan ngại độ chính xác của thiết bị cảm biến vì theo kinh nghiệm rất khó đảm bảo, cũng như về quy trình bảo dưỡng, bảo trì; cần tích hợp tính năng tự động điều khiển các thiết bị xử lý môi trường ao nuôi đạt chuẩn (thay vì làm thủ công); cần khảo nghiệm thực tế để có các đánh giá khách quan và có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về tính hợp chuẩn, hợp quy của hệ thống. Bên cạnh đó, yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí, có thể sử dụng Bộ cảm biến cho nhiều ao nuôi, không nhất thiết mỗi ao nuôi phải đặt một Bộ cảm biến.
Nhận được cam kết từ Công ty VTC là hoàn toàn có khả năng đáp ứng theo các yêu cầu đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng nhận định: Trên cơ sở các đánh giá và phân tích tại cuộc họp thì việc áp dụng Hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản vào thực tế sản xuất là khả thi và có triển vọng; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Công ty VTC hoàn thiện thêm các tính năng của hệ thống theo yêu cầu thực tiễn sản xuất, để từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào nuôi trồng thủy sản của tỉnh mang lại hiệu quả và phát triển bền vững./.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang)