Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong (Bình Thuận) vừa xây dựng phương án thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản trong năm 2017 đối với sản phẩm mực trên địa bàn thị trấn Liên Hương.
Mục tiêu cụ thể xây dựng điểm mô hình liên kết chuỗi giữa ngư dân làm các nghề khai thác mực (nghề bẫy bóng mực, chụp mực, câu mực) với doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mực trong nước và xuất khẩu tại thị trấn Liên Hương; giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất. Điều kiện để thực hiện mô hình chuỗi liên kết là đối với chủ tàu khai thác phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký hợp đồng mua bán mực với doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp: ký hợp đồng với chủ tàu cá thu mua các loại mực đúng kích cỡ theo quy định của Nhà nước, nâng cao chất lượng trong sơ chế, chế biến sản phẩm mực làm cơ sở. Hiện Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tuy Phong đang phối hợp UBND thị trấn Liên Hương tổ chức triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; phổ biến các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy sản có liên quan đến ngành nghề khai thác và chế biến thủy sản. Dự kiến cuối năm 2017 địa phương sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình.
Được biết, sản lượng khai thác hải sản bình quân của thị trấn Liên Hương đạt 7.100 tấn. Đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mực trên địa bàn có 4 cơ sở và đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thị trấn có khoảng 100 tàu thuyền, thúng lắp động cơ có công suất từ 20-90CV làm nghề khai thác mực, hoạt động đánh bắt ở vùng biển ven bờ và tuyến lộng.
(Theo báo Bình Thuận)