Trà Vinh: Năm 2017: Hướng đến mô hình nuôi thủy sản an toàn, hiệu quả

Vụ nuôi thủy sản năm 2016 đã khép lại, mặc dù với nhiều khó khăn nhưng nhờ chủ động trong chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch bệnh... đã mang lại kết quả tương đối khả quan, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) 103.398 tấn, đạt 102% kế hoạch (trong đó, tôm sú 12.736 tấn, tôm thẻ chân trắng 23.775 tấn, cua biển 7.123 tấn, cá lóc 30.060 tấn, cá tra 10.155 tấn,...). Để vụ nuôi năm 2017 thắng lợi, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương tập trung hướng đến mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo nhận định của ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT): Cuối vụ nuôi năm 2016 do giá tôm sú và tôm chân trắng vẫn duy trì mức cao, người nuôi có lợi nhuận. Vì vậy, khả năng năm 2017 diện tích nuôi tôm chân trắng sẽ được duy trì như năm 2016, riêng diện tích nuôi tôm sú sẽ tăng cao hơn. Bên cạnh đó, một số đối tượng nuôi như: cua biển, nghêu, sò huyết, hàu sẽ được duy trì phát triển mạnh. Do đó, để phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Trà Vinh, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi nhằm giữ vững vai trò mũi nhọn trong phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỉnh đã rà soát và thực hiện điều chỉnh quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực (tôm nước lợ, cá tra) phù hợp với quy hoạch chung của Bộ NN-PTNT.

Một số chỉ tiêu về phát triển thủy sản năm 2017:

- Tôm sú: diện tích 18.000ha, con giống 1,9 tỷ con, sản lượng 11.700 tấn;

- Tôm thẻ chân trắng: diện tích 6.000ha, con giống 03 tỷ con, sản lượng 27.000 tấn;

- Cua biển: diện tích 14.500ha, con giống 120 triệu con, sản lượng 8.000 tấn;

- Cá tra: diện tích 70ha, con giống 28 triệu con, sản lượng 10.000 tấn;

- Cá lóc: diện tích 300ha, con giống 135 triệu con, sản lượng 26.500 tấn;

- Nghêu, sò huyết và thủy sản khác: diện tích 1.500ha, sản lượng 2.200 tấn;

- Tôm càng xanh: diện tích 1.500ha, con giống 50 triệu con, sản lượng 700 tấn;

- Cá các loại: Diện tích 1.500ha, sản lượng 18.000 tấn.

Để tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao và nâng cao giá trị sản phẩm, việc phát triển nuôi thủy sản cần phát triển theo hướng VietGAP, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái sẽ được triển khai đến với người nuôi tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Với các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017 về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhằm thực hiện đạt kế hoạch trên, tỉnh cần thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản (giai đoạn 2015-2020), chuyển đổi vùng trồng lúa nhiễm mặn sang nuôi thủy sản. Duy trì và phát triển mô hình kết hợp trồng lúa-nuôi thủy sản; nuôi thủy sản-rừng và xây dựng thương hiệu. Đầu tư và phát triển nuôi công nghệ cao; phân vùng nuôi tập trung để đầu tư kết cấu hạ tầng nuôi theo hướng GAP.

Trong sản xuất thủy sản, tổ chức lại sản xuất, thành lập nhiều vùng nuôi tập trung, nhằm tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã về nuôi nhuyễn thể. Vận động, thành lập thêm các loại hình kinh tế hợp tác có hiệu quả, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm, tăng tính cạnh tranh hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nâng cao ý thức hộ nuôi, tăng cường tính cộng đồng để cùng quản lý phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững. Chủ động quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trên động vật thủy sản, khuyến cáo người nuôi ý thức chọn mua giống chất lượng và thả nuôi theo thông báo lịch thời vụ do UBND tỉnh ban hành, qui trình kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Ông Phạm Minh Truyền cho biết thêm, để thực hiện tốt việc quản lý lịch thời vụ và an toàn trong thả nuôi thủy sản, nhất là vùng mặn và lợ, các địa phương cần thực hiện theo phân cấp trong quản lý quy hoạch như quản lý chặt chẽ các khu nuôi tôm tự phát ngoài vùng quy hoạch, tránh làm lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn vùng nuôi theo Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND, ngày 09/5/2013 của UBND tỉnh và Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND, ngày 10/8/2015 về việc sửa đổi Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND. Thực hiện tốt các quy hoạch chuyên ngành thủy sản đã được phê duyệt; quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với ngành thực hiện tốt quan trắc, cảnh báo môi trường và thu mẫu giáp xác tại các cửa sông đầu nguồn vùng nuôi tôm trọng điểm phân tích các chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh và mầm bệnh trong môi trường nước. Phân công cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại các địa bàn, viên chức xã triển khai công tác nắm tình hình, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh cũng như đẩy mạnh công tác tư vấn trực tiếp, hướng dẫn các hộ dân quy trình nuôi năm 2016 - 2017… Với các giải pháp đồng bộ trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi trong mùa vụ tới.

Trà Vinh

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục