Trà Vinh hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm về phát triển thủy sản

Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực.

Qua 10 năm thực hiện quyết Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh không ngừng nỗ lực đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế để hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế biển. 

* Khai thác tiềm năng 

Trà Vinh có vị trí địa lý nằm giáp biển, với 65 km bờ biển.Với lợi thế “rừng vàng, biển bạc” nên Trà Vinh đã xác định mục tiêu dựa vào nguồn lợi kinh tế biển là con đường phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi, nhanh và ổn định.Chính vì thế, Trà Vinh ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương ven biển nhằm tạo nền tảng vững chắc để khai thác nguồn lợi kinh tế từ biển. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cho biết, thách thức lớn nhất đối với tỉnh là nguồn nội lực về ngân sách không đủ thực thi những giải pháp căn cơ, quan trọng để tạo đà bứt phá. Để khai thác hiệu quả tiềm năng từ biển, với sự hỗ trợ của Trung ương, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã triển khai thực hiện 12 dự án, chủ yếu tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển, với tổng mức đầu tư hơn 1.857 tỷ đồng. 

Năm 2016, tỉnh tiếp tục được Trung ương hỗ trợ đầu tư 4 dự án, với tổng nguồn vốn gần 913 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 236 chủ tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Cùng đó, phê duyệt cho ngư dân được vay vốn đóng mới 11 tàu cá có công suất lớn, với tổng số tiền gần 145 tỷ đồng. Điều này, góp phần nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. 

Ngoài ra, trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh được Trung ương đầu tư 56 tỷ đồng thực hiện dự án trồng rừng, với diện tích được trồng mới gần 1.100 ha, nâng diện tích rừng toàn tỉnh hiện có trên 8.975 ha; trong đó, rừng phòng hộ chiếm hơn 6.000 ha. Việc khoanh nuôi bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn ven biển đã đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội các địa phương ven biển. Hơn 80% diện tích rừng của tỉnh hiện đã được giao khoán cho hộ dân và các tổ chức để vừa chăm sóc, bảo vệ vừa khai thác nguồn lợi thủy sản dưới chân rừng, góp phần an sinh xã hội và ngăn chặn tình trạng sạt lở trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay. 

Có được nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế biển, tỉnh Trà Vinh đã phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn và nghề khai thác biển. Đến nay, tỉnh có diện tích nuôi tôm trên 25.000 ha.Tổng sản lượng thuỷ, hải sản hằng năm được đánh bắt và nuôi trồng đạt bình quân 167.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản bình quân của tỉnh trong 5 năm gần đây đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với thời điểm năm 2010. 

* Hướng đến vùng trọng điểm 

Trong chủ trương phát triển kinh tế biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh được Chính phủ chọn là tỉnh trọng điểm phát triển cả về thủy sản lẫn thế mạnh trong giao lưu quốc tế, phát triển cảng nước sâu với vai trò khu vực.

Thực hiện chủ trương này, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, Trà Vinh đóng vai trò trung tâm. 

Cụ thể, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải; Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Khu kinh tế Định An là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 của cả nước. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm, tuy tỉnh có những điều kiện thuận lợi từ tiềm năng của biển, cùng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương để phát triển mạnh về kinh tế biển. Thế nhưng, thực tế, việc phát triển kinh tế biển trong những năm qua mới dừng lại ở tiềm năng.Một trong những hạn chế, bất cập dễ thấy nhất là việc khai thác các thế mạnh mũi nhọn chưa tương xứng. Các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt, chủ yếu mới khai thác lợi thế về nuôi trồng thủy sản, các lĩnh vực khác như: đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, du lịch biển… chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. 

Bên cạnh đó, việc quy hoạch dân cư, đô thị ven biển còn chậm. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển các huyện vùng biển trọng điểm của tỉnh như: Duyên Hải, Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, rất hạn chế. Việc mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề biển còn gặp nhiều khó khăn. 

Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm cho biết, trước mắt, tỉnh gia tăng hiệu quả đánh bắt hải sản theo phương cách tiếp tục điều chỉnh và thực hiện chính sách hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Từ đó, hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ gắn với tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đánh bắt. Đồng thời, tập trung xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình như: khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá cửa Cung Hầu và cửa Định An; hạ tầng Cảng cá Láng Chim, Bến cá Định An, các Làng cá Định An, Mỹ Long, Đông Hải, Vĩnh Bảo. 

Ở lĩnh vực nuôi trồng, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa con nuôi; từng bước xây dựng các vùng nuôi thủy sản chuyên canh, nuôi theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, gắn với ưu tiên đầu tư sản xuất con giống. 

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất phục vụ phát triển kinh tế biển, vùng ven biển.Trong khai thác hải sản thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã khai thác trên biển để hạn chế chi phí sản xuất, bám biển dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, tùy theo đặc điểm sản xuất, phát huy và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất hàng hóa lớn. Tỉnh phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị tôm bình quân trong giai đoạn 2018 - 2020 đạt gần 17%/năm của toàn ngành nông nghiệp. 

Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư cho ngành nghề chế biến thủy - hải sản xuất khẩu; khuyến khích khôi phục các cơ sở tiêu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống chế biến hải sản. Cùng với đầu tư nâng cấp chợ Duyên Hải và các chợ xã, thị trấn ven biển, tỉnh xây dựng chợ đầu mối xã Long Hữu (huyện Duyên Hải), chợ Định An (huyện Trà Cú). Điều này nhằm đảm bảo yêu cầu giao thương hàng hóa lớn, đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch ở những địa điểm có điều kiện như bãi biển Ba Động, Mỹ Long và các cồn nổi ven biển, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khách sạn; quy hoạch du lịch ven sông Tiền và sông Hậu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm cho biết thêm, cùng với sự tập trung đầu tư nguồn lực của tỉnh, Trà Vinh cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng tại Khu Kinh tế Định An, các quốc lộ trên địa bàn, hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các địa phương ven biển, xã bãi ngang, xã đảo, để tỉnh thu hút đầu tư và phát triển trở thành tỉnh trọng điểm về kinh tế biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./. 

(Theo BNews)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục