Nuôi cá lồng đang phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Song, hiện nay, việc nuôi cá lồng vẫn còn tự phát, không có quy hoạch rõ ràng...
Nhiều rủi ro
Vừa qua, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng cá lồng chết do thiếu ô xy và ô nhiễm môi trường nước. Thực tế, đó là điều không mới khi hàng năm đều xảy ra, bởi nuôi cá lồng hiện vẫn còn tự phát, lồng nuôi chưa được sắp xếp hợp lý, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, một số vùng nuôi nằm ngoài quy hoạch, dễ dịch bệnh khi môi trường nước biến động. Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thừa nhận, việc người dân nuôi cá lồng không tuân theo quy hoạch khá phổ biến. Đa số người dân chỉ làm theo quán tính, cộng với việc mật độ nuôi dày khiến môi trường nước bị ô nhiễm cục bộ, gây ra các dịch bệnh, nhất là vào thời điểm giao mùa.
Tại xã Quảng Thọ, mô hình nuôi cá lồng trên sông đã phát triển mạnh, số lượng lồng nuôi tại địa phương tăng lên đến hơn 700 lồng, góp phần tạo sinh kế cho nhiều người dân. Song, người dân sử dụng lồng nuôi bằng tre nứa rất thô sơ, nhếch nhác, được đặt gần bờ. Ông Nguyễn Văn An, một hộ nuôi cá lồng ở Quảng Thọ cho biết: “Tui làm nghề nuôi cá lồng trên sông được gần 10 năm. Công việc này mang lại thu nhập chính cho gia đình. Thời điểm thời tiết không thuận lợi như lúc chuyển mùa cá thường thiếu ô xy, dịch bệnh dẫn đến chết. Các lồng cá được đặt sát nhau và gần bờ để tiện cho việc quản lý”.
Không chỉ ở xã Quảng Thọ, các địa phương khác ở huyện Quảng Điền cũng phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền cho hay: “Toàn huyện hiện có hơn 1.100 lồng cá kể cả nước lợ và nước ngọt. Hiện, người dân bố trí các lồng cá ở các vị trí chưa hợp lý, mạnh ai nấy làm nên tình trạng thiếu oxy trong lồng thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, do lượng thức ăn thải ra trên một đơn vị diện tích lớn nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước cục bộ”.
Bên cạnh việc nuôi cá lồng của người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhiều diện tích nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch. Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương (TX Hương Trà) cho biết: “Địa phương cũng phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, nhưng vẫn mang tính tự phát. Cụ thể, trong hơn 500 lồng nuôi tại Hải Dương thì có đến 200 lồng nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch thuộc khu vực Bàu thôn 2. Chính điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà làm cho người nuôi chịu nhiều rủi ro bởi dịch bệnh”.
Sắp xếp lồng nuôi cho phù hợp
Theo Quyết định 60 năm 2016 của UBND tỉnh, các cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản, nằm trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng, bè phải có quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành. Và đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định… Song, việc triển khai Quyết định này đến nhiều địa phương gặp không ít khó khăn. Ông Lê Xuân Hướng cho biết, việc sắp xếp lại các lồng bè nuôi cá đúng theo quy hoạch, quy định là điều cần thiết, địa phương cũng đã họp các hộ dân để triển khai, đa số bà con đều tán thành. “Khi họp triển khai ai cũng đồng ý, song đến khi cán bộ đến ghi danh sách đăng kí thì rất ít hộ nuôi không thực hiện. Lý do họ đưa ra là nếu sắp xếp lồng cá tại vùng khác sẽ không tiện cho việc quản lý, dễ bị mất trộm vào ban đêm”, ông Hướng chia sẻ.
Đồng quan điểm, một cán bộ của phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nồn thôn huyện Quảng Điền cho rằng: “Việc một số hộ dân không chấp hành là vì nếu đặt lồng ở vị trí cách xa bờ và theo hình zích zắc sẽ khó quản lý và khó chăm sóc”. Bà Trần Thị Thanh Nhã cho biết: “Quyết định 60 của UBND tỉnh đã được triển khai ở các địa phương. Chúng tôi đang chỉ đạo và phối hợp với UBND các địa phương rà soát lại số lượng lồng nuôi cá nằm ngoài vùng quy hoạch và đặt ở những vị trí chưa hợp lý. Đồng thời, tích cực vận động người dân sắp xếp lại các lồng nuôi; tuyên truyền đến người dân những hiệu quả tích cực của vấn đề này”.
Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Lộc cho hay: “Từ trước đến nay người dân nuôi cá lồng chủ yếu tự phát trên cơ sở vốn có. Chúng tôi đang xây dựng đề án sắp xếp lại lồng huôi sao cho phù hợp ở các địa phương, triển khai lấy ý kiến của bà con ở các xã, dự kiến hết tháng tư sẽ hoàn thành. Việc sắp xếp lại lồng nuôi thực chất là định hướng cho người dân có phương pháp nuôi hợp lý, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hỗ trợ bà con chọn con giống mới bản địa có hiệu quả, bố trí thời vụ, mật độ khoảng cách và quy định rõ ràng về thể tích lồng nuôi”.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh nói: “Toàn tỉnh có khoảng gần 5.000 lồng cá. Về cơ bản, người dân đã có kinh nghiệm về việc nuôi cá lồng từ nhiều năm nay, thế nhưng theo Quyết định 60 nhiều lồng nuôi bố trí không đúng theo quy định. Chúng tôi đã triển khai Quyết định 60 về các địa phương, các địa phương sẽ tiến hành rà soát, tiến tới quy hoạch sắp xếp lại vùng nuôi. Sau khi triển khai, 6 tháng một lần chúng tôi sẽ có một đợt kiểm tra, giám sát vấn đề này”.
Báo Thừa Thiên Huế