Thủy sản xuất khẩu trước cơ hội phát triển

Do một số nhà cung cấp thủy sản lớn trên thế giới đối mặt khó khăn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong năm 2017...

Thị trường tốt hơn

Người nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp đang trong những ngày tràn đầy lạc quan vì triển vọng của ngành mình. Nhiều huyện thời điểm này người nuôi chốt giá bán ở mức cao, từ 28,5-30 nghìn đồng/kg - mức giá này đảm bảo cho người nuôi cá thu được lãi khá.

Giá cả thuận lợi cho nuôi trồng cá tra đã kéo dài suốt thời gian vừa qua, tình hình tiêu thụ thuận lợi trong năm 2017 khác hẳn với giai đoạn trước. Chính vì vậy, nhiều hộ tăng cường mở rộng quy mô. Theo con số từ ngành nông nghiệp tỉnh này, năm 2017, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn đạt khoảng 1.500ha, sản lượng hơn 400.000 tấn, tăng 16.500 tấn so năm 2012, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng không chỉ có người nuôi trồng cá tra được lợi từ điều kiện thị trường tốt hơn, nhiều loại thủy sản nguyên liệu khác cũng đang có được cơ hội tốt. Theo bản tin Thị trường nông, lâm, thủy sản mới nhất do Vụ Xuất khẩu (Bộ Công thương) xuất bản, giá nhiều chủng loại tôm tại một số tỉnh phía Nam cũng đang trong xu hướng cải thiện.

Điều kiện thị trường tốt đến từ nguyên nhân một số nhà cung cấp thủy sản lớn trên thế giới đang gặp khó khăn. Vụ Xuất nhập khẩu cho biết do sản lượng thu hoạch tại Orissa và Kolkata, hai vùng nuôi tôm lớn của Ấn Độ, đến cuối năm qua đã giảm khoảng 10% so với năm 2016.

Trong khi đó, tồn kho của các nhà đóng gói duy trì ở mức thấp. Đây là nguyên nhân chính khiến giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ tăng khoảng 0,31 USD/kg đối với một số chủng loại tôm. Theo Hiệp hội nông dân nuôi tôm Pattukottai, Ấn Độ, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ duy trì ở mức thấp cho tới tháng 3/2018.

Với một số nhà cung cấp khác, vấn đề nằm ở chính sách từ nhà nhập khẩu thay đổi. Chẳng hạn như với Thái Lan, xuất khẩu tôm của quốc gia này sang thị trường Mỹ đã giảm 4,4% về lượng xuống còn 62.954 tấn; sang EU giảm 10,6% xuống còn 6.663 tấn. Suy giảm xuất khẩu thủy sản của Thái Lan sang EU chủ yếu là do sự thay đổi trong chính sách ưu đãi thuế đối với tôm nhập từ nước này.

Do một số nhà cung cấp thủy sản lớn trên thế giới đối mặt khó khăn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong năm 2017. Ước tính của Tổng cục Thống kê cho biết giá trị xuất khẩu thuỷ sản năm 2017 của Việt Nam đạt khoảng 8,32 tỷ USD, tăng tới 18% so với năm 2016. Nhiều dự báo cho rằng tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ còn tiếp tục thuận lợi trong những tháng đầu năm 2018.

Nguồn cung khởi sắc

“Sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016”, Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong một báo cáo công bố gần đây thông tin như vậy. Về con số cụ thể, sản lượng thủy sản năm 2017 của cả nước ước đạt 7225,0 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 5192,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 887,5 nghìn tấn, tăng 8,8%.

Trong năm qua, nuôi trồng thủy sản cũng không còn bị tác động của hạn hán, xâm nhập mặn như năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1102,4 nghìn ha, tăng 3%; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 3835,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 2694,3 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 723,8 nghìn tấn, tăng 10,3%.

Giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng qua các tháng và cao hơn rất nhiều so với năm trước, dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg, có thời điểm lên 28.000-30.000 đồng/kg nên người nuôi đã thả nuôi trở lại, đẩy mạnh đầu tư chăm sóc, tăng lượng thức ăn làm cho cá phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nuôi.

Diện tích nuôi trồng cá tra công nghiệp ước đạt 6.701 ha, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra ước đạt 1251,3 nghìn tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước mặc dù sản lượng cá tra những tháng đầu năm đạt thấp.

Tương tự, nuôi tôm nước lợ cũng gặp nhiều thuận lợi, cả về thời tiết và giá cả tiêu thụ. Diện tích nuôi tôm sú ước đạt 478,8 nghìn ha, tăng 1,1%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 105,1 nghìn ha, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh ước đạt 98,1 nghìn ha, tăng 22,2%.

Đặc biệt, nuôi tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu chuyển từ nuôi thâm canh sang nuôi siêu thâm canh. Sản lượng tôm sú ước tính đạt 254,9 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 432,3 nghìn tấn, tăng 14,3%.

Không chỉ có sản xuất mà khai thác thủy sản cũng cải thiện nhờ điều kiện thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 3389,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 2498,1 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 163,7 nghìn tấn, tăng 2,6%.

Giải thích thêm về nguyên nhân, Vụ Kinh tế nông nghiệp cho rằng sản lượng thủy sản khai thác tăng do thời tiết và tình hình ngư trường tương đối thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện; Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục được triển khai khá hiệu quả và sự phát triển của dịch vụ hậu cần nghề cá, dự báo ngư trường tạo động lực cho ngư dân ra khơi bám biển, đẩy mạnh khai thác xa bờ…

Số lượng tàu thuyền tại thời điểm 01/11/2017 là 103,4 nghìn tàu, tăng 3,0% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tàu từ 90CV trở lên khoảng 32,9 nghìn tàu, tăng 7,6%. Công suất bình quân một tàu tăng từ 110,6 CV/tàu năm 2016 lên 135,1 CV/tàu.

Bên cạnh đó, ngư dân cũng linh hoạt trong việc chuyển đổi ngư trường theo mùa vụ. Khai thác thủy sản biển ở các tỉnh Bắc Trung bộ đã hồi phục lại sau sự cố Formosa năm 2016... 

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục