Thanh Hóa: Tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở miền núi

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm hồ, đập lớn nhỏ và nhiều sông lớn, như: Sông Mã, sông Chu, sông Bưởi... Hiện nay, trên các tuyến sông, nhiều công trình thủy điện được xây dựng như: Cửa Đặt, sông Mực, Trung Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 và đưa vào sử dụng, tạo ra hàng nghìn ha mặt nước là điều kiện thuận lợi để các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển.

 Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân dùng chất nổ, xung điện và các loại ngư cụ trái quy định để khai thác thủy sản và việc khai thác quá giới hạn cho phép dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên mất dần đi khả năng tái tạo, phục hồi, hủy hoại môi trường hệ sinh thái. Nhiều loài thủy sản thông thường có nguy cơ tuyệt chủng; số sinh vật ngoại lai như ốc bưu vàng, rùa tai đỏ, cá chim trắng có xu hướng gia tăng; chất lượng môi trường sống của loài thủy sinh vật có xu hướng giảm, thậm chí nhiều khu vực xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, nhiều hệ sinh thái thủy sinh bị xâm hại, gây ảnh hưởng môi trường sống và phá hoại sự cân bằng môi trường sinh thái của loài thủy sản.

Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở miền núi, từ năm 2010 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các huyện miền núi tiến hành thực hiện chương trình thả giống các loài thủy sản phù hợp xuống các hồ chứa nước, như: Bến En, Mậu Lâm, Đồng Lớn (Như Thanh), Cửa Đặt (Thường Xuân), Thung Bằng (Cẩm Thủy), Đồng Cồn (Như Xuân)... với 27.430 tấn cá bằng các giống cá truyền thống, như: Trắm, trôi, mè, chép. Đây là các hồ có mặt nước từ 100 ha trở lên phù hợp cho các loài cá nước ngọt truyền thống phát triển và sinh trưởng. Qua kiểm tra, theo dõi các giống thủy sản thả đều phát triển tốt, được các địa phương và người dân quản lý, khai thác hợp lý nên nguồn thủy sản ở các hồ đập, sông suối, vùng ven bờ, cửa sông đã phục hồi và gia tăng đáng kể, bổ sung vào quần đàn tự nhiên, góp phần ổn định hệ sinh thái, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân làm nghề khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc khai thác thủy sản một cách hiệu quả, nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, góp phần cân bằng môi trường, tăng thu nhập cho người dân.

Để tái tạo hiệu quả và bảo vệ an toàn nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở miền núi, ngoài ý thức của người dân, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý những trường hợp khai thác triệt tiêu nguồn lợi thủy sản, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, nhằm tái tạo bền vững cho loài thủy sản. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách phát triển đa dạng nghề nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm nuôi trồng, hạn chế tối đa việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên; hằng năm, cần bổ sung nguồn giống vào các thủy vực tự nhiên ở miền núi.

Báo Thanh Hóa

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục