Những năm qua, thực hiện Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 1-11-2013 của UBND tỉnh Ninh Thuận, từng bước đã tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nội bộ ngành Thủy sản theo hướng nâng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và cân bằng sinh thái môi trường, hình thành vùng sản xuất giống chất lượng cao của cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Có thể nói, hằng năm hoạt động thủy sản đã giải quyết việc làm cho hơn 43.000 lao động, trong số này riêng nuôi trồng đã tạo việc làm cho trên 14.500 lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có trên 1.500 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm với diện tích trên 1.100 ha, còn lại là nuôi rong sụn, cua ghẹ, hàu và trên 200 ha nuôi cá nước ngọt. Thực tế diện tích nuôi hằng năm được người nuôi thay đổi tăng, giảm theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Chỉ tính trong năm 2016, theo kế hoạch nông dân toàn tỉnh đưa 1.410 ha vào nuôi nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là “đầu ra” không ổn định nên thực tế chỉ nuôi gần 1.070 ha, trong đó riêng nuôi tôm trên 860 ha, tăng 75 ha so năm trước. Đáng nói là nhiều hộ nuôi đã đưa các kỹ thuật tiên tiến, quy trình nuôi sạch, không sử dụng kháng sinh... nên năng suất đạt khá cao, tổng sản lượng trên 7.200 tấn. Sản xuất giống đã tăng trưởng đáng kể với 520 cơ sở/140.000 m3 bể nuôi, tăng 90 cơ sở/4.900 m3 bể nuôi so với kế hoạch. Theo đó, sản lượng tôm giống đạt trên 21.800 triệu postlarvae, tăng hơn 2.000 triệu con giống so năm trước, trong đó, giống tôm thẻ trên 17.000 triệu postlarvae, còn lại là tôm sú, vượt 1,4% so với kế hoạch năm. Đối với nuôi biển, tỉnh ta không có tiềm năng và lợi thế nên chậm phát triển. Hiện nay, tỉnh có Quy hoạch khu vực Mỹ Tân, Ninh Chử (C1, C2) cho nuôi biển, các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm, ốc hương, cá mú, cá bớp... Thực tế cũng đáng ghi nhận là trong nuôi trồng đã xuất hiện một số mô hình hợp tác, liên kết. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một nhóm nuôi tôm G9 được thành lập từ năm 2013, bao gồm 9 thành viên, với quy mô 35 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực nuôi trên cát An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh (Thuận Nam). Với diện tích nuôi lớn, được đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như khoa học kỹ thuật hoàn chỉnh nên năng suất thu hoạch khá cao, dao động 20 - 25 tấn/ha. Nhóm được thành lập trên tinh thần tự nguyện với mục đích chủ yếu để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong khi mô hình nuôi tôm truyền thống không còn phù hợp, nhóm đã cùng nhau thử nghiệm một số mô hình nuôi tôm mới: Biofloc, GAP, nuôi tôm nước trong, mô hình ao ương... và bước đầu thu được thành công đáng kể. Sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của nhóm G9, cũng như thành công của nhóm đang được xem là mô hình điểm, hướng đi mới cho bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh...
Những kết quả nêu trên rất đáng ghi nhận, tuy nhiên để nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển vẫn còn không ít rào cản với nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Đơn cử như, trong Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh thì Ninh Thuận sẽ được xây dựng thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cả nước (hiện tại hằng năm cung cấp hơn 25% giống thủy sản cho cả nước). Tuy nhiên, hạ tầng tại 2 khu sản xuất giống tập trung vẫn chưa được đầu tư, do vậy chưa phát huy được hết năng lực của sản xuất giống. Khu nuôi tôm Đầm Nại với hơn 600 ha nuôi, nhưng đầu tư hạ tầng hệ thống đê bao, hệ thống kênh cấp thoát nước nước mặn, ngọt không đồng bộ, gây trình trạng ô nhiễm, dịch bệnh làm cho nghề nuôi tại khu vực này kém hiệu quả. Trong khi đó, Ninh Thuận là tỉnh nghèo, nguồn lực hạn chế nên rất cần cơ chế đầu tư đặc thù cho các công trình hạ tầng thủy sản như cảng, vùng nuôi, khu chế biến thủy sản tập trung... Mặt khác, theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định 66/2016/NĐ-CP ra đời bãi bỏ nội dung “địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch” của Nghị định 59/2005/NĐ-CP và Nghị định 14/2009/NĐ-CP. Đây là nguyên nhân làm phát triển các cơ sở nuôi thủy sản không kiểm soát, làm cho công tác quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản của ngành và các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hoạt động nuôi tự phát, xây dựng cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch... Ngoài ra, những năm qua do chịu ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, lũ lụt... làm cho nhiều khu vực môi trường sinh thái bị suy thoái, ô nhiễm, đòi hỏi phải có những giải pháp về công trình, quy trình, các giải pháp về khoa học - kỹ thuật để phục hồi và phát triển.
Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở vẫn tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Hình thành các vùng nuôi tôm tập trung lớn tạo nguồn nguyên liệu chủ lực cho chế biến xuất khẩu. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sản xuất ổn định phù hợp, hướng mạnh vào phát triển nuôi nước lợ với các đối tượng chính là con tôm sú, tôm thẻ thâm canh; sản xuất tôm giống có chất lượng cao để tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Đồng thời chú trọng phát triển nuôi tôm hùm lồng, cá mú và các loại nhuyễn thể (sò huyết, ốc hương,...). Chuyển mạnh nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang hình thức nuôi thâm canh tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Mở rộng các đối tượng nuôi hải đặc sản xen vụ, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như công nghệ sinh học, xử lý nước sạch,... nước và chất thải trong nuôi tôm phải được xử lý trước khi thải ra bên ngoài, không gây ô nhiễm môi trường... Được biết, trong năm 2017 này toàn tỉnh phấn đấu đưa trên 1.115 ha vào nuôi trồng, trong đó riêng diện tích nuôi tôm 850 ha với sản lượng dự kiến đạt 7.400 tấn; sản xuất tôm giống đạt 24 tỷ con, trong số này tôm thẻ chân trắng trên 19 tỷ con...
Để định hướng nêu trên nhanh chóng trở thành hiện thực phát triển, ngoài nội lực của tỉnh rất cần sự đầu tư của Trung ương và từ chính các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Đây được xem là “cú huých” cần thiết để thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản của tỉnh.
Báo Ninh Thuận