Tăng tốc ứng dụng công nghệ cao?

Nói đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, rồi đi theo xu hướng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… nhưng dưới đất là những bài toán ngổn ngang.

Cái khó của người nông dân

Nông dân không thể tự chứng minh việc mình làm ngoài đồng, họ không thể ghi chép như một nhân viên giám sát thống kê và thường không tạo được lòng tin khi nói sản phẩm này an toàn. Khi không ai tin, các bác ấy thì phải dựa vào hệ thống chứng nhận, mà chi phí chứng minh quá lớn. Và rồi họ lý luận, đã làm mọi thứ vẫn chưa đủ lòng tin, tội gì làm nữa? Bởi vì hàng hóa có độc tố vẫn đâu có bị ngăn chận, vẫn ngang nhiên mua bán bình thường đó thôi. Từ sự tuyệt vọng của người sản xuất kéo theo mối nghi ngờ truyền kiếp của người mua.

Có thể sửa lỗi này không? Nông dân có thể tự chứng minh việc làm, đúng quy trình bằng cách sử dụng smartphone, chụp lại những loại vật tư đã sử dụng theo lịch trình canh tác, cứ lưu lại máy theo mẫu đã được format. Máy sẽ ghi lại địa điểm, thời gian đúng như mình đã làm. Thậm chí những thắc mắc về côn trùng lạ, bệnh lạ, cứ chụp lại và gởi ngay về trung tâm của Công ty Real-Time Analytics (RTA) chuyên về các chương trình phần mềm hỗ trợ nông dân quản lý tiến trình sản xuất, để được giải đáp, tư vấn.

TS Lê Đặng Trung - CEO của RTA - kể rằng, khi anh đọc Nghị định 55/2017/NĐ-CP, ký ngày 9-5-2017 về việc quản lý nuôi chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, người nuôi thương phẩm phải quản lý ao nuôi, đăng ký theo biểu mẫu, phụ lục… thì ông nói: Thử đặt mình vào vai người nuôi cá, phải làm sao để hoàn thành thủ tục này, để có mã nhận diện? Nếu trơn tru, ít nhất phải đi tới hỏi cách làm thủ tục, nghe hướng dẫn, khi có mã nhận diện rồi phải gọi điện hỏi để chạy lên, phải tới lấy giấy tờ. Nếu còn mắc lỗi, lên không gặp cán bộ thì số lần đi lại nhiều hơn. Mất bao nhiêu thời gian cho việc chạy lên

chạy xuống?

Thiết kế phần mềm theo cách đặt chính mình vào tình huống của nông dân là cách xử lý nhiều kinh nghiệm thực tiễn của TS Trung. Ông hướng dẫn nông dân định dạng với những form dễ dàng truy cập từ smartphone, điền vào chỗ trống những thông tin đầy đủ, chính xác, ký tên điện tử, nhấn nút hoàn thành và gởi ngay cho cơ quan quản lý mà không phải chạy lên, chạy xuống. “Chỉ cần làm đúng các bước trong phần mềm hướng dẫn được cài đặt, không chỉ có địa chỉ ao nuôi mà kèm theo đó là hình ảnh, tọa độ, định vị rõ ràng và nếu cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ điện toán toàn bộ thì đã có chữ ký điện tử".

Cơ chế chính sách nhà nước đã sẵn sàng cho việc này chưa?

Thách thức đầu tiên về cơ chế chính sách Nhà nước là vấn đề quy hoạch mà câu chuyện của ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi là một ví dụ. Ông Ngọc làm nghề chăn nuôi gà gia truyền đã 25 năm. Gần đây khi dự định theo đuổi việc lấy chứng nhận GlobalGAP, ông xin chuyển trại gà ra ngoại thành Đồng Nai, nhưng Nhà nước đã “quy tập” tất cả doanh nghiệp chăn nuôi vào san sát nhau trong khu công nghệ cao và quy định tất cả trang trại của doanh nghiệp phải cách nhau ít nhất là từ 500m đến 1.000m, để tránh lây lan dịch bệnh khi có nạn dịch. Kế hoạch của ông đã đổ vỡ.

Trường hợp ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty gạo Trung An - cũng “ngặt nghèo” không kém. Do hạn điền, Trung An không thể mở rộng diện tích trồng lúa. Ông tìm cách mua đất nông dân, nhưng ông bị vướng thủ tục. Mua đất nhưng ông chỉ được làm giấy tờ là chỉ “mua quyền sử dụng đất” và sau đó, ông lại phải ký giấy thuê lại đất của Nhà nước. Quy mô đất đai nhỏ lẻ, phân tán là rào cản cho những dự định ứng dụng thiết bị thông minh trong ngành lúa gạo, rất khó giải bài toán chi phí - lợi ích - theo ông Bình. Các doanh nghiệp chôn vốn vào đất nên mất sức trong việc đầu tư công nghệ mới.

Sau đó, muốn thu hồi vốn ông phải tách khỏi thị trường giá rẻ, làm gạo organic, GlobalGAP. Thậm chí tạo dựng một mô hình mới tự động hóa ở một quốc gia thuộc Tây Phi sau khi nhận lời mời của tổng thống nước này.

Một trường hợp khác là, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Yanmar thành lập cách đây 4 năm, mà mục đích theo ông Takeo Matsubara - Giám đốc văn phòng đại diện Yanmar tại Cần Thơ - cho biết, nhằm phục vụ phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và định hướng đến 2024 giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, công nghiệp hóa nông nghiệp. Nhưng cũng do bị giới hạn về đất họ cũng chỉ có thể hoàn thiện thiết bị du nhập cho phù hợp địa hình với các thiết bị cấy, gặt, đập liên hợp. Các thiết bị không người lái gần như “chết đứng”.

Những câu chuyện kể trên có lẽ cũng đủ cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối diện khi muốn thay đổi công nghệ.

(Theo KH&PT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục