Tăng tốc phát triển cá cảnh xuất khẩu

Nuôi cá cảnh đang được nhiều người dân hướng tới. Một số loại cá đẹp, giá trị cao, được các nghệ nhân, cơ sở nuôi cá cảnh sưu tầm, trưng bày như: cá Koi, cá ông tiên, cá beta, cá neon, cá phát tài, cá gen phát sáng… Ngoài ra, các dịch vụ ăn theo gồm cung cấp hồ thủy sinh; thiết kế nuôi cá - trồng rau công nghệ tuần hoàn khép kín cũng bắt đầu “mọc lên” hàng loạt ở khắp nơi.

Đối với TPHCM, có hẳn một chương trình phát triển cá cảnh giai đoạn 2016 - 2020, với định hướng khá chi tiết, cụ thể. Kế hoạch phát triển này được giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư cùng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM phối hợp với các quận, huyện có sản xuất, kinh doanh cá cảnh tập trung, Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh tổ chức nhằm đẩy mạnh tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu.

Thống kê mới nhất từ Sở NN-PTNT TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2016, sản xuất cá cảnh trên địa bàn thành phố đạt 87 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Số lượng cá cảnh xuất khẩu trong 10 tháng là 12.627.000 con, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Năm 2015, trên địa bàn TPHCM có 286 cơ sở sản xuất cá cảnh, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và có 278 cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Năm 2015, sản lượng cá cảnh đạt 120 triệu con, tăng 100% so với năm 2010; giá trị sản xuất đạt 534,5 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so năm 2010. Đối tượng sản xuất chủ yếu vẫn là cá bảy màu, hòa lan, hồng kim, mô ly, bình tích, dĩa, xiêm, la hán, ông tiên, chép, vàng, phượng hoàng, tứ vân, mũi đỏ… Sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 13 triệu con, giá trị kim ngạch đạt 12 triệu USD, tăng 100% so năm 2010. Đối tượng xuất khẩu chủ yếu: cá neon, moly, bình tích, trân châu, bảy màu, cá xiêm, cá dĩa. Có 10 công ty và trại cá cảnh tham gia xuất khẩu thường xuyên, trong đó Công ty cổ phần Sài Gòn Cá cảnh (huyện Củ Chi) là đơn vị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong mười năm qua. Thị trường xuất khẩu cá cảnh của TPHCM rất đa dạng với 47 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60% - 70% như: Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech…

Mặc dù thị trường xuất khẩu cá cảnh đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn do các yếu tố khách quan, chẳng hạn như: những nước nhập khẩu yêu cầu thủy sản sống phải xuất phát từ cơ sở, vùng nuôi hoặc quốc gia an toàn về dịch bệnh theo Tổ chức Thú y thế giới. Đối với cá cảnh họ cá chép phải không có mầm bệnh là virus SVC và KHV… Để tháo gỡ khó khăn trên, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi lãnh đạo TPHCM về việc giải quyết thủ tục xuất khẩu cá kiểng của các DN tại thành phố. Trong đó nhấn mạnh tới việc đề nghị các cơ quan chuyên trách của TPHCM chỉ đạo các cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh có nhu cầu xuất khẩu cá cảnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh. Riêng cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cần duy trì giám sát, đảm bảo không có dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Hiện UBND TPHCM đã giao chỉ tiêu cho Sở NN-PTNT TP phấn đấu đến năm 2020 sản lượng sản xuất cá cảnh đạt 150 - 180 triệu con, xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 - 50 triệu USD. Duy trì, mở rộng phát triển mạnh sản xuất cá cảnh tại các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh của TP đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác. Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM: “Cá cảnh là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị quan trọng của TPHCM, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và có nhiều tiềm năng phát triển”.

(Theo SGGP)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục