Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên, kết quả quan trắc môi trường nước các vùng nuôi trồng thủy sản ngày 17-18/7 cho thấy, các chỉ tiêu hóa lý và hàm lượng vi sinh vibrio spp tại các vùng quan trắc đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, tại vùng nuôi cầu Ông Đại (huyện Đông Hòa) độ mặn thấp (4‰) không phù hợp cho nuôi trồng thủy sản; hàm lượng Fe (sắt) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi cầu Ông Đại và Phước Long, Phước Giang (huyện Đông Hòa) dao động từ 0,55-1,27mg/l.
Tại các vùng nuôi Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang và cầu Ông Đại, chỉ tiêu NH3 (amoniac) vượt ngưỡng giới hạn cho phép, dao động từ 0,52-0,92mg/l. Chỉ tiêu NO2 (nitơđiôxit) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phước Long, Phước Giang, dao động từ 0,057-0,070mg/l.
Còn tại các vùng nuôi cửa An Hải (huyện Tuy An) và Vũng Tàu, chỉ tiêu PO4 (photphat) vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 0,29-0,50mg/l. Chỉ tiêu H2S (hydrosulfua) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi cửa An Hải, Tân Long và Phước Giang, dao động từ 0,03-0,05mg/l. Hàm lượng DO (ôxy hòa tan) thấp hơn giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Tuần Nhã, Lệ Uyên (TX Sông Cầu), Vũng Tàu, cầu Ông Đại và dao động từ 4,4-4,8 mg/l. Tại các vùng nuôi Phú Dương (TX Sông Cầu), Phú Lương, Tân Long, Mỹ Phú (huyện Tuy An), hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép từ 1.055-3.350CFU/ml.
Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo: Các vùng nuôi tôm hùm có hàm lượng DO tại Lệ Uyên thấp hơn giới hạn cho phép, hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Phú Dương nên di dời lồng đến vùng có độ sâu hơn, nơi có dòng chảy, nâng lồng lên ở mức độ vừa phải.
Hiện nay, các ao nuôi ốc hương đã thu hoạch không nên hút xả thải vào vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông vì sẽ làm ô nhiễm vùng nuôi cho các đối tượng nuôi khác. Khu vực chợ Xuân Thịnh nơi tập kết và phân phối thức ăn cho tôm hùm đã gây ô nhiễm vùng nuôi tại thôn Phú Dương.
Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép là do hệ thống nước ngầm vùng này đang có nguy cơ ô nhiễm, cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH, định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao.
Tại vùng nuôi có NO2 vượt ngưỡng giới hạn cho phép cũng có nguy cơ bị ô nhiễm, người nuôi thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật. Tại các vùng nuôi có PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép do nguồn nước cấp tại khu vực này có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo, cần xử lý nước.
Đối với các vùng nuôi có H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S. Những vùng nuôi có hàm lượng DO thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép có nguy cơ tồn đọng nhiều chất hữu cơ, trầm tích khá cao, người nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa. Các vùng nuôi có hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
(Theo báo Phú Yên)