Nuôi trồng thủy sản đóng góp không nhỏ vào sản xuất, chế biến xuất khẩu của ngành thủy sản, do đó, việc phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng, giảm thiểu được thiệt hại cho người nuôi, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Lao đao vì dịch bệnh
Ông Huỳnh Văn Be, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long không thể quên bệnh gan thận mủ xảy ra đối với hồ (ao) cá tra nhà mình năm 2016 khiến ông suýt lâm vào cảnh trắng tay. Ông Be tâm sự: Nuôi cá tra nói riêng, thủy sản nói chung, để giảm nguy cơ thiệt hại thì phải phòng ngừa dịch bệnh tốt, sử dụng con giống bảo đảm chất lượng, quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường, nguồn nước thả nuôi.
Các nguyên nhân khiến nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là do dịch bệnh, thiên tai và môi trường. Với cá tra, bệnh chủ yếu thường gặp là bệnh gan thận mủ; trắng gan, trắng mang, thối đuôi, phù đầu, bệnh do ký sinh trùng; bệnh xuất huyết. Các loài thủy sản khác như: Cá điêu hồng (thường bị bệnh ký sinh trùng, xuất huyết, trắng gan); tôm hùm (bị bệnh sữa-MHD-SL). Dịch bệnh trên tôm nuôi cũng thường gặp một số bệnh như: Đốm trắng (WSD), đỏ thân, phân trắng... Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho hay: Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 46.217ha, gấp 1,94 lần so với năm 2019 (24.297ha). Ngoài ra, có khoảng 10.274 lồng, vèo, bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong tổng số diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại thì tôm nuôi nước lợ là lớn nhất, khoảng 43.340ha (chiếm 93,77% tổng diện tích thủy sản nuôi trồng bị thiệt hại), chiếm 5,88% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong 3 tháng đầu năm 2021, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do các yếu tố môi trường, thời tiết thay đổi bất thường là hơn 85ha. Cục Thú y dự báo, diện tích tôm nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do người nuôi tôm bắt đầu tăng thả nuôi; trong khi đó, các điều kiện bất lợi của thời tiết (giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn...) tiếp tục diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến tôm nuôi có thể bị chết. Bên cạnh đó, các loại mầm bệnh nguy hiểm (AHPND, WSD, EHP...) còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi tôm vẫn có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm trong thời gian tới...
Đẩy mạnh phòng dịch bệnh
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: Phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Riêng vấn đề thị trường, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết dẫu có giảm thuế nhưng các rào cản kỹ thuật phi thuế quan lại gia tăng. Nếu Việt Nam có nguồn nguyên liệu tốt thì khả năng cạnh tranh ngành hàng, cạnh tranh quốc gia sẽ tốt hơn. Vì thế, mục tiêu giảm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản sẽ cần phải đặt cao hơn nữa.
Để phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trong nuôi trồng thủy sản, việc tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, mùa thả giống, chất lượng con giống, chất lượng kiểm dịch theo quy định là rất cần thiết. Ngoài ra, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP...); biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cũng rất quan trọng, góp phần giảm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngày 11-3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 339 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn (trong đó, khai thác 2,8 triệu tấn, nuôi trồng 7,0 triệu tấn (năm 2020, nuôi trồng mới đạt 4,56 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD. Vì thế, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản rất quan trọng và là biện pháp hàng đầu góp phần tăng trưởng cho ngành thủy sản, nhất là thời gian tới nuôi trồng thủy sản tăng lên.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, ngoài phòng, chống dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản, việc bảo đảm an toàn trong nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc cũng là những yếu tố quan trọng, góp phần bảo đảm mục tiêu mà chiến lược thủy sản đã đặt ra trong thời gian tới.
(Theo báo Quân đội Nhân dân)