Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-UBND về kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu của tỉnh đề ra là tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 290.400 tấn, trong đó, tôm chiếm 186.800 tấn, cá và các loại thủy sản khác 103.600 tấn. Để hoàn thành mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ thực hiện nhiều giải pháp và tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng.
Theo đó, tỉnh sẽ phát triển các đối tượng nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể… Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh ở vùng phía Nam Quốc lộ (QL) 1A; phát triển diện tích mô hình tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm khi hội đủ các điều kiện cho phép. Gắn với đó là áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, GlobalGAP, BMP, CoC, ASC…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để nâng cao năng suất, sản lượng, kích cỡ và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng như: mô hình tôm - rừng, rừng - tôm ở vùng phía Nam QL1A; mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A.
Bên cạnh đó, nhân rộng và khuyến khích phát triển mô hình sản xuất chuỗi - một trong những đột phá quan trọng trong tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Thực hiện thành công mô hình liên kết này sẽ góp phần khai thông đồng vốn đầu tư từ các ngân hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc. Từ đó có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và giúp các nước nhập khẩu thủy sản dễ dàng truy xuất nguồn gốc con tôm.
Cùng với phát triển mô hình liên kết sản xuất, Bạc Liêu sẽ tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm gắn với xây dựng cánh đồng lớn (phấn đấu đạt diện tích 35.000ha). Chú trọng phát triển hợp tác xã kiểu mới, tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi (nuôi luân canh, nuôi chuyên, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên diện tích rộng và quy mô nhỏ). Khuyến khích áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic), áp dụng công nghệ cao. Qua đó từng bước đưa ngành nuôi tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh, siêu thâm canh; thực hiện quản lý vùng nuôi thông qua việc cấp mã số nhận diện, tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.
Chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất (theo nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi trồng thủy sản) để vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu có sản lượng hàng hóa lớn, vừa có điều kiện áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến và bảo vệ môi trường vùng nuôi. Nhân rộng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh (tôm sú sạch bệnh, tôm sinh thái, cá kèo, cua biển…). Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng chia sẻ lợi ích và rủi ro với người nuôi thủy sản. Đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo thông tin thị trường, giá cả; giảm bớt các tầng nấc trung gian trong thu mua nguyên liệu thủy sản; mở rộng hình thức ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu thủy sản giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản.
(Theo báo Bạc Liêu)