Tái cơ cấu lại nghề nuôi trồng thủy sản

Bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, với sức tàn phá ghê gớm đã gây rất nhiều thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân. Hàng nghìn tàu cá bị sóng biển đánh chìm, hư hỏng nặng; hàng chục ngàn lồng bè nuôi trồng hải sản bị sóng đánh vỡ…

Thiệt hại dây chuyền

Thiệt hại nặng nề nhất về tài sản do cơn bão số 12 gây ra, đầu tiên phải kể đến nghề nuôi tôm hùm. Chỉ tính riêng ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng nghìn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển. Hộ ít cũng thiệt hại vài trăm triệu, hộ nhiều lên đến vài chục tỉ. Số tiền thiệt hại của nghề nuôi tôm hùm ở hai tỉnh này ước khoảng 3.888 tỉ đồng.

Cùng với đó, các nghề nuôi trồng hải sản khác bằng lồng bè như: nuôi cá bớp, cá mú… có nơi được ví là “làng tỉ phú nổi” sau bão số 12 không còn dấu vết. Các hộ nuôi trồng hải sản ở đầm Nha Phu ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị trắng tay toàn bộ sau bão.

Tính chung toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 24.000 lồng bè nuôi trồng hải sản có giá trị kinh tế cao bị trôi; hơn 1.000ha tôm nuôi thâm canh, trên 570ha nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại. Theo tính toán, thiệt hại về nghề nuôi trồng, khai thác hải sản ở Khánh Hòa chiếm trên 50% tổng thiệt hại do bão số 12 gây ra.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 14-11, bão số 12 và mưa lũ sau bão đã làm 123 người chết và mất tích; 3.485 căn nhà bị đổ sập, 137.729 nhà bị tốc mái, hư hại; 8.554ha lúa bị ngập, 21.116ha hoa màu; 25.511 lồng bè thủy hải sản, 1.348 tàu cá bị chìm, hư hỏng.

Chưa khi nào bão lớn gây ra chìm hàng loạt tàu chở hàng như bão số 12. Cảng Quy Nhơn cho đến nay vẫn trong tình trạng “tê liệt”, vì số lượng tàu chìm đang “án ngữ” toàn bộ luồng vào cảng. Nguy cơ xảy ra thảm họa tràn dầu là rất lớn, công tác trục vớt vẫn chưa thể triển khai…

Nguyên nhân

Không khó để tìm ra nguyên nhân của những thiệt hại trên. Bão lớn, gió giật mạnh, quần thảo nhiều giờ vượt quá mức chịu đựng của cả những công trình kiên cố, chứ chưa nói tới lồng, bè nuôi trồng hải sản và tàu bè trên mặt nước.

Vẫn biết thiên tai là “bất khả kháng”, sức người chẳng thể chống lại sự tàn phá từ những trận “lôi đình” của thiên nhiên. Tuy nhiên, khi công tác dự báo chính xác, nếu ý thức phòng tránh của người dân được đề cao, chính quyền sở tại vào cuộc quyết liệt… thì sẽ làm giảm những thiệt hại đáng kể.

Không ít người dân ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) sau bão nhìn sự ngổn ngang, đổ nát đã chua xót nhận ra rằng, do chủ quan nên gánh chịu hậu quả như vậy. Tương tự, tại Quy Nhơn khi các tàu trên biển đang hối hả vào bờ tìm nơi tránh trú thì vẫn có một tàu cá liều lĩnh rời bến….

Tái cơ cấu đối với ngành nuôi trồng thủy sản phải tính đến việc quy hoạch vùng nuôi trồng cho phù hợp, nuôi trồng phải gắn với thị trường, phương tiện nuôi trồng như thế nào nhằm giảm bớt áp lực việc khai thác rừng lấy gỗ để đóng lồng, bè…

Điều này chứng tỏ người dân chưa được “cập nhật” một cách đầy đủ nhất về những thiệt hại khủng khiếp do bão gây ra. Và cũng chứng tỏ, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa rốt ráo trong việc kiểm tra, đôn đốc, chưa có những biện pháp quyết liệt trong công tác tổ chức phòng tránh cho nhân dân.

Nếu công tác nuôi trồng hải sản nêu cao tinh thần “cảnh giác” như những người trồng lúa, thực hiện tốt phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tổ chức thu hoạch sớm, hoặc tìm ra biện pháp tối ưu để bảo vệ tài sản… thì chắc chắn sẽ hạn chế được những thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Đây là bài học “vào cuộc” của hệ thống chính trị ở các địa phương chưa quyết liệt và đồng bộ. Và cũng là nguyên nhân chủ quan cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Điều cần bàn, cần rút kinh nghiệm để làm sao tất cả các địa phương, từ người dân, đến các cấp chính quyền phải có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức; có biện pháp sát, đúng để ứng phó có hiệu quả nhất trong cộng tác phòng, tránh thiên tai.

Cần có chính sách ưu đãi

Có thể nói, từ sau bão đến nay, nhiều ngư dân ở các địa phương Nam Trung Bộ vẫn chưa thể ra khơi vì tàu, thuyền, ngư lưới cụ hư hỏng không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai.

Đặc biệt đối với những hộ nuôi trồng hải sản đang rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nợ nần và trắng tay. Với tình cảnh này, người nuôi trồng hải sản lo bữa ăn hằng ngày còn khó, chứ nói gì đến việc khôi phục sản xuất.

Tất nhiên, không thể vì vậy mà không khôi phục lại ngành nghề. Vấn đề đặt ra là khôi phục như thế nào cho hiệu quả, bảo đảm tính lâu dài và bền vững? Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ nuôi trồng hải sản ở các tỉnh Nam Trung Bộ đều vay vốn ngân hàng. Nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì người dân và doanh nghiệp không thể “gượng dậy” nổi.

Hơn lúc nào hết, lúc này các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với ngành nghề này. Trước mắt cần “khoanh nợ” các khoản vay cũ và tiếp tục cho vay ưu đãi để các hộ dân mất phương tiện khôi phục lại sản xuất.

Và các ngành chức năng phải tính toán ngay việc tái cơ cấu, nhất là đối với ngành nuôi trồng thủy sản. Phải tính đến việc quy hoạch vùng nuôi trồng cho phù hợp, nuôi trồng phải gắn với thị trường. Phương tiện nuôi trồng như thế nào nhằm giảm bớt áp lực việc khai thác rừng lấy gỗ để đóng lồng, bè…

Nghề nuôi trồng hải sản ở khu vực này coi như “làm lại từ đầu”, chính vì vậy đề nghị các ngành chức năng từ Trung ương, đến địa phương cần khẩn trương vào cuộc, coi đây là cuộc “cách mạng” nghề nuôi trồng hải sản, tạo ra thời cơ mới, phương pháp mới mang tính tiên tiến và khoa học có tính đột phá, tạo ra “hình mẫu” bền vững cho tương lai.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 9134/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12 ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, triển khai thực hiện ngay một số nội dung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất.

(Theo Petro Times)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục