Sông Cầu: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản

Thời gian qua, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu đã thực hiện tốt nhiệm vụ lựa chọn, đề xuất những đề tài, dự án; phối hợp hiệu quả với các nhà khoa học đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất ở vùng nông thôn, ven biển trên địa bàn thị xã.
Sông Cầu Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương được triển khai tại TX Sông Cầu.

Trong giai đoạn 2015-2020 nhiều đề tài, dự án, mô hình đã được triển khai, nghiệm thu và từng bước được áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi thử nghiệm sá sùng kết hợp với tôm sú do kỹ sư Nguyễn Thái Hải Anh làm chủ nhiệm thực hiện bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Sau 8 tháng nuôi, sá sùng đạt trọng lượng trung bình 8,6g/con, năng suất khoảng 1,37 tấn/ha; tôm sú đạt trọng lượng trung bình 38,5g/con với tỉ lệ sống đạt 85%, năng suất 0,58 tấn/ha.

Hiện nay, do nguồn giống sá sùng chưa được sản xuất đại trà nên người dân chưa thể phát triển, nhân rộng. Tuy nhiên, mô hình sản xuất thử nghiệm thành công là cơ sở khoa học để triển khai các dự án nuôi thương phẩm sá sùng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất rong nho do TS Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm được triển khai tại xã Xuân Phương từ năm 2014-2016. Sau hai năm triển khai, những người thực hiện đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rong nho trong ao trên diện tích 6.000m2 với năng suất 36-39 tấn rong nho tươi/ha/năm.

Kết quả kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng cho thấy rong nho trồng tại TX Sông Cầu có hàm lượng dinh dưỡng cao; kim loại nặng và vi sinh vật đều ở mức rất thấp so với ngưỡng quy định của Bộ Y tế và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, mô hình sản xuất rong nho đã được nhiều người dân xã Xuân Phương áp dụng, giúp mang lại thu nhập trung bình từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm và rong biển theo VietGAP được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chủ trì thực hiện trong thời gian từ năm 2015-2016. Hiện nay, mô hình này đã ứng dụng tại một số hộ nuôi. Do nguồn giống hải sâm khó khăn và giá bán không cao nên người dân đã thay thế hải sâm, rong biển bằng cá dìa, cá măng, cá rô phi giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn…

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết kết quả triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản là cơ sở khoa học để Phòng Kinh tế tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn thị xã đến năm 2030 và chương trình, kế hoạch nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Hầu hết, các đề tài, dự án đều hướng đến phát triển bền vững hoạt động nuôi trồng thủy sản, giải quyết vấn đề môi trường, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số đề tài, dự án cần có thêm thời gian để đánh giá và nhân rộng.

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục