Quảng Ninh: Kết nối, đưa sản phẩm OCOP và thủy sản vào hệ thống siêu thị

Đảm bảo chất lượng, đủ sản lượng, bao bì mẫu mã phù hợp sẽ là những yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP và thủy sản của Quảng Ninh vào được hệ thống siêu thị, tạo đầu ra ổn định và bền vững.

Sáng ngày 26/10, Sở Công Thương Quảng Ninh tổ chức hội nghị “Quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản tỉnh Quảng Ninh vào siêu thị”.

Chất lượng, số lượng yếu tố quan trọng

Năm 2017, Công ty TNHH Long Hải bắt tay đầu tư xây dựng kế hoạch sản xuất nấm ăn cao cấp trồng trong nhà lạnh trên quy mô công nghiệp với công suất 1.500 tấn/năm với các sản phẩm chủ đạo là nấm kim châm và nấm đùi gà. Tháng 9/2018, công ty hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Cuối năm đó, đại diện công ty tham dự một sự kiện xúc tiến thương mại do Big C tổ chức, tại đây, sau khi giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất với giám đốc thu mua miền Bắc, chỉ sau đó vài tháng, phía công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với Big C. Đến nay, Big C cũng đang là đơn vị tiêu thụ lớn nhất của doanh nghiệp, chiếm 60% sản lượng. Ông Dương Thế Mạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải - chia sẻ, cùng với sản phẩm tốt, chất lượng, đủ số lượng, nỗ lực xúc tiến kết nối với các nhà phân phối giúp sản phẩm của đơn vị này có chỗ đứng khá vững chắc tại siêu thị.

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, thủy sản làm được việc này. Ngoài việc thiếu các thủ tục pháp lý, sản phẩm OCOP của tỉnh còn những hạn chế về mẫu mã, sản lượng chưa ổn định, chất lượng không đồng nhất, giá bán còn cao, không đa dạng chủng loại. Thêm vào đó, một số sản phẩm phụ thuộc rất nhiều về mùa vụ. Do đó, sản phẩm khó có thể cạnh tranh với mặt hàng cùng loại trên thị trường. Một lý do khác là tư duy sản xuất còn nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đem các sản phẩm nước mắm Sá Sùng (Vân Đồn) đến với Tuần giới thiệu sản phẩm OCOP và thuỷ sản Quảng Ninh diễn ra từ ngày 24 đến 26/10 và Hội nghị quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản tỉnh Quảng Ninh diễn ra sáng ngày 26/10 tại siêu thị Big C Thăng Long, bà Cao Hồng Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Newstar - mong muốn có thể kết nối và đưa các sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại như Big C, GO!, MM Mega Market, Sagon Co.op và các hệ thống siêu thị khác, từ đó sản phẩm có thể đến được nhiều hơn người tiêu dùng.

Cũng theo bà Cao Hồng Vân, hiện sản phẩm đã đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị Vinmart. Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp đã nhận được sự đóng góp ý kiến của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp phân phối về bao bì, nhãn mác. Từ đó, phía doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, phân phối đến các nhà bán lẻ để cung cấp đến của người tiêu dùng. Dù vậy, bà Cao Hồng Vân thừa nhận, hiện sản lượng sản xuất của doanh nghiệp còn thấp. Để có đủ sản lượng đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư máy móc công nghệ, nâng cao chất lượng công nghệ mở rộng sản xuất để có sản lượng đủ lớn đáp ứng nhu cầu của hệ thống bán lẻ.

Tương tự các sản phẩm như: Trà hoa vàng Quy Hoa, sản phẩm thịt lợn Móng Cái, gạo Đông Triều, và rất nhiều các sản phẩm OCOP và thủy sản của tỉnh Quảng Ninh mong muốn được kết nối đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Trong khi doanh nghiệp sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Bà Phạm Thị Hải My - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội - chia sẻ, hiện sản lượng thủy hải sản tại siêu thị trên địa bàn Hà Nội khoảng 40-50 tấn/tháng. Tuy nhiên, phía đơn vị chưa có nguồn thủy sản đồng đều đảm bảo chất lượng. Phía siêu thị mong muốn có nguồn hàng thủy hải sản bảo đảm chất lượng, sản lượng. Về những khó khăn liên quan đến giấy tờ, hai bên cùng hợp tác, trao đổi, tháo gỡ.

Là đơn vị đầu tiên đưa các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vào kệ hàng của siêu thị, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc điều hành siêu thị Big C miền Bắc - cho hay, đến nay, doanh thu các sản phẩm OCOP Quảng Ninh khá ổn, có thể kể đến các sản phẩm như nấm kim châm Long Hải, miến dong Bình Liêu, chả mực Hạ Long… Riêng đối với các sản phẩm thủy hải sản, từ cách nhìn của người bán lẻ, Big C đánh giá cao chất lượng của tỉnh Quảng Ninh và cũng đón nhận sự đánh giá rất tích cực từ phía người tiêu dùng.

Từ kết quả trên, phía Big C cũng muốn có thêm nhiều sản phẩm OCOP và thủy sản, hải sản Quảng Ninh vào hệ thống siêu thị. Riêng đối với thủy hải sản, nhu cầu có thể lên đến hơn 100 tấn/tháng. Không chỉ mở rộng tiêu thụ các mặt hàng này tại Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, Big C muốn tiến vào thị trường miền Nam. Tuy nhiên, việc triển khai là không dễ, phía siêu thị cũng đối diện với một số khó khăn từ khâu vận chuyển đến khâu bảo quản, bởi Big C mong muốn đưa các sản phẩm thủy hải sản đến tay người tiêu dùng một cách tươi ngon nhất.

Cần sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp

Tại hội nghị, các đơn vị phân phối gồm: Bộ phận thu mua của các hệ thống siêu thị BigC miền Bắc, MM Mega Market, Co.op Mart Hà Nội đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh. Trong khuôn khổ của hội nghị, các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối cũng đã được ký kết.

4605-cac-yyn-vy-ban-ly-ky-cam-kyt-bao-tieu-syn-phym-hyi-syn-tynh-quyng-ninh

Ngay trong hội nghị, các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối đã được ký kết

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - cho biết: Sự kiện kết nối lần này, Sở Công Thương kỳ vọng giúp cho các sản phẩm OCOP và thủy sản Quảng Ninh vào chuỗi cung ứng không chỉ tại thị trường Hà Nội mà còn rộng khắp trên cả nước. Đây cũng là giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn đến đầu ra sản phẩm. Đồng thời, mong muốn thông qua sự kiện này, các sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh từng bước chuyên nghiệp hơn, xây dựng thương hiệu, tạo dựng vị thế để có thể đưa vào chuỗi cung ứng hiện đại của các doanh nghiệp trong nước và FDI.

Khẳng định các hoạt động kết nối sẽ từng bước giúp các cơ sở sản xuất không chỉ lớn mạnh về thương hiệu mà còn tạo ra sự ổn định. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Giang, việc tổ chức các chương trình kết nối chỉ hỗ trợ một phần, còn sự thành công phải đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp. Theo đó, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản thông qua hệ thống siêu thị đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất nắm rõ những quy định, qua đó xây dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, số lượng và bao bì sản phẩm cũng là vấn đề các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. “Việc có được cơ hội kết nối với các kênh phân phối hiện đại là không nhiều, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, đồng thời, từng bước xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho mình”, ông Lê Hồng Giang nói.

(Theo báo Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục