Quan tâm bảo đảm môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phát triển, từng bước hình thành các vùng nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, môi trường trong NTTS đang trở thành vấn đề bức xúc, cần được tập trung giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 260 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung ở các huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương... Các diện tích nuôi được các hộ đầu tư cải tạo ao đầm, tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, quản lý môi trường nên hiệu quả kinh tế đạt cao. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số khu vực nuôi tôm công nghiệp, cho thấy hầu hết các cơ sở nuôi tôm đều không đầu tư xây dựng bể lắng xử lý nước thải, sau mỗi vụ nuôi, nước thải, bùn... đều trực tiếp xả ra ngoài tự nhiên. Ngoài ra, theo định kỳ sau 30 ngày nuôi, các hộ tiến hành xiphon (hút) bùn đáy từ ao nuôi thải ra kênh mương. Việc cho thức ăn quá nhiều, thức ăn dễ tan và theo nước thải ra môi trường, phần dư thừa tích tụ dưới đáy ao. Tái sử dụng ao nuôi bị ô nhiễm hay thải ra môi trường xung quanh làm cho nguồn nước ô nhiễm cũng làm ảnh hưởng đến môi trường.

Tại vùng nuôi tôm trên cát ven biển xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vì lợi nhuận mang lại từ nuôi tôm khá lớn nên người dân đổ xô đầu tư nuôi tôm; ông Lê Trần Quỳnh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp - NTTS Hoằng Phụ, cho biết: Hiện khu NTTS tập trung của xã có 95 ha, với 130 hộ nuôi, chủ yếu là nuôi quảng canh đa con. Hàng năm, HTX có nhiệm vụ điều tiết nước cho các hộ nuôi thủy sản của xã, cử người theo dõi, đo nồng độ mặn thích hợp để phục vụ NTTS. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm bởi các khu vực nuôi tôm, các hộ dân thau, rửa ao nuôi thải trực tiếp ra sông. Trong khi các thiết bị đo độ PH, NO2,... không có, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh, như: Đốm trắng, gan... cho các đối tượng nuôi quảng canh là khá cao. Trên địa bàn xã cũng đã xảy ra dịch bệnh làm tôm, cá, cua xanh chết hàng loạt, khiến người nuôi thua lỗ.

Hiện toàn tỉnh có 18.900 ha NTTS; trong đó 11.200 ha nước ngọt, 7.700 ha nước mặn, lợ. Từ năm 2016 đến nay, đã xảy ra nhiều thiệt hại về kinh tế trong NTTS do ô nhiễm môi trường, như: Cá lồng nuôi chết ở sông Bưởi (Thạch Thành); cá lồng chết ở sông Bạng (Tĩnh Gia); ngao nuôi bị chết hàng loạt ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa; cá chết trên sông m, qua các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc... Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng NTTS (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thời gian gần đây nghề NTTS phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật, thâm canh của người nuôi ngày càng cao. Tuy nhiên, do ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong NTTS còn hạn chế nên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trong nuôi tôm công nghiệp, vốn xây dựng hạ tầng lớn, nên hầu hết các hộ nuôi chưa thể đầu tư bể lắng, lọc, mà thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo các cơ sở nuôi, hộ nuôi chủ động theo dõi, kiểm tra môi trường NTTS. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ môi trường. Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người NTTS về công tác xử lý sự cố, cải tạo nguồn nước trong các ao nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường bằng các chế phẩm sinh học. Yêu cầu các hộ nuôi có đối tượng bị dịch bệnh không được xả thải trực tiếp nước trong ao nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Khi phát hiện các yếu tố môi trường diễn biến bất thường, người nuôi phải thông báo cho các cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời.

Báo Thanh Hóa

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục