Quản lý chất lượng, kiểm soát dịch bệnh thủy sản đảm bảo xuất khẩu

Để đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ.

Khó khăn trong quá trình xuất khẩu nông lâm, thủy sản

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho thấy, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm 2021. Cụ thể ở thị trường Trung Quốc có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về, trong khi cả năm 2020 số lượng lô vi phạm bị trả về là 6/14 lô.

Bên cạnh đó, các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Đơn cử như thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm (màu sắc, mùi vị,..). NAFIQAD đã có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc điều chỉnh quy định để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tiêu diệt được virus gây bệnh.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài/dạng sản phẩm thủy sản (lô hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này từ 1/8/2021).

Quản lý chất lượng kiểm soát dịch bệnh thủy sản đảm bảo xuất khẩu
Ảnh minh họa

Hay như đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang nước này phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...

Nỗ lực đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh

Theo thống kê, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2 năm 2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1 năm 2021, chiếm 52,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Để đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu, ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) kiến nghị, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh trên địa bàn; giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dựa trên những tín hiệu khả quan của thị trường, xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể đạt trên 8,7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc thúc đẩy, mở rộng thị trường thì việc giám sát tốt dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản là một nhiệm vụ quan trọng.

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở nhiều thị trường, tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng cũng như dư địa còn rất lớn, ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết để kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh. Đồng thời cần chủ động giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh.

(Theo VietQ.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục