Phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản

Với bờ biển dài 250 km, diện tích mặt nước hơn 6.000 km2, cùng hơn 43 nghìn héc-ta rừng ngập mặn và bãi triều là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), với nhiều giống hải sản có giá trị kinh tế cao.

Ðầu tư bài bản

Ðể phát huy tiềm năng mặt nước biển NTTS và quản lý tốt bãi triều, năm 2016, Quảng Ninh đã ban hành Quy định quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bãi triều, mặt nước biển trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh chủ trì xây dựng và trình UBND tỉnh một số chính sách quan trọng khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020; ban hành các quy trình kỹ thuật NTTS trong vùng tập trung; hướng dẫn, định hướng về mùa vụ sản xuất; rà soát quản lý quy hoạch, thực hiện các quy định về quản lý NTTS… Thông qua đó, tỉnh đã phê duyệt phương án quy hoạch các vùng NTTS tập trung cho sáu đối tượng nuôi chính, gồm các vùng nuôi tôm, nhuyễn thể, cá biển, ghẹ, cua và NTTS nước ngọt.

Ðể chủ động nguồn giống, một số cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã đề nghị xin cải tạo, nâng cấp, nhằm nâng công suất sản xuất giống thủy sản. Trung ương cũng hỗ trợ tỉnh triển khai Dự án Ðầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại huyện Vân Ðồn, với tổng vốn đầu tư 213 tỷ đồng, công suất 1,5 tỷ giống nhuyễn thể/năm. Tỉnh Quảng Ninh chủ động kêu gọi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng phát triển giống thủy sản; trong đó, Công ty Ðầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long triển khai Dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm hải sản tại Ðầm Hà với tổng vốn đầu tư 169 tỷ đồng, công suất 3,5 tỷ tôm giống, từ 2,5 đến 3 triệu giống cá biển, từ 5 đến 7 triệu giống nhuyễn thể/năm; Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc thực hiện dự án sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm siêu canh công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Ðầm Hà, với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng, công suất 8 tỷ con giống, từ 5.700 đến 17.400 tấn tôm/năm…

Công tác phòng trừ dịch bệnh trong NTTS được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt, với kinh phí gần 5 tỷ đồng/năm, góp phần chủ động trong giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường vùng NTTS tập trung tại các địa phương trọng điểm. Thông qua kết quả giám sát, kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo đến người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh và thông báo kết quả quan trắc thông qua văn bản, trang web, hệ thống truyền thanh cơ sở và phát bản tin trên đài truyền hình.

Hiệu quả bền vững

Nhờ đầu tư NTTS bài bản, nhiều mô hình nuôi thâm canh tôm chân trắng tại các địa phương: Quảng Yên, Hoành Bồ, Ðầm Hà và Móng Cái đạt năng suất bình quân từ 10 đến 15 tấn/ha/vụ (riêng nuôi thâm canh trong nhà kính cho năng suất hơn 20 tấn/ha/vụ). Các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang NTTS ở các địa phương: Ðông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên, Ðầm Hà, Hải Hà, có năng suất nuôi đạt từ 8 đến 15 tấn/ha (có vùng đạt 20 tấn/ha/vụ), giá trị từ 280 triệu đến 300 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 30 đến 40% tổng mức đầu tư, cao hơn nhiều lần trồng lúa. Ðến nay tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và phát triển chín thương hiệu về các sản phẩm thủy sản gồm: Mực ống Cô Tô, sá sùng Vân Ðồn, chả mực Hạ Long, ngán Quảng Ninh, ghẹ Trà Cổ, tu hài Vân Ðồn, tôm chân trắng Móng Cái, cua biển Quảng Yên, cá duội Cô Tô.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến 2020, định hướng đến 2030, trong thời gian tới, ngành thủy sản Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết; trong đó, ưu tiên các vùng đã định hướng nuôi trồng thủy sản tập trung và mặt biển nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP, quy định cơ sở sản xuất an toàn thực phẩm; ban hành các chính sách tiếp cận cụ thể đến từng vùng NTTS, từng đối tượng nuôi chủ lực để tập trung nguồn lực, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cũng như nâng cao chất lượng nhân lực ngành NTTS; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nhất là hợp tác nghề cá với các tỉnh, thành phố trong nước có nghề cá phát triển như: Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên…; hợp tác các viện nghiên cứu để hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao các đối tượng nuôi và công nghệ nuôi phù hợp tỉnh.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành thủy sản Quảng Ninh, không thể thiếu sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản trong công tác thanh tra, kiểm tra và siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất giống thủy sản, nhất là các tỉnh trọng điểm sản xuất giống tôm, tránh tình trạng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường; hoàn thiện khung pháp lý về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở vật chất các phòng kiểm nghiệm trên cả nước để giám sát, kiểm soát tốt vật tư trong NTTS, nhất là các chế phẩm sinh học để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người NTTS và người sản xuất chân chính. Ngoài việc chỉ chú trọng chế biến đông lạnh, xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay, cần có chính sách khuyến khích phát triển chế biến thực phẩm thủy sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu để ổn định giá cả tiêu thụ, phát huy, nâng cao giá trị các sản phẩm NTTS ở các địa phương nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

(Theo báo Nhân dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục