Trước sự ảnh hưởng của tự nhiên và biến động kinh tế hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam phải biết cách điều tiết nguồn cung, sản phẩm cung ứng và dung hòa với các thị trường trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, bất kỳ một ngành nghề nào cũng có nốt thăng và nốt trầm. Để không phải rơi vào vòng xoáy thăng, trầm trước sự ảnh hưởng của tự nhiên và biến động kinh tế hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam phải biết cách điều tiết nguồn cung, sản phẩm cung ứng và dung hòa với các thị trường trên thế giới.
*Đa dạng sản phẩm để nâng giá trị
Công nghệ chế biến thủy sản của doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và phát triển. Cho đến nay, các sản phẩm thủy sản chế biến ngày càng đa dạng.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã cung ứng hơn 20 sản phẩm tôm chế biến các loại, gần 20 sản phẩm cá tra chế biến và hàng trăm loại thủy hải sản chế biến khác như sashimi, cá hồi, bào ngư, sò điệp, cá ngừ, rong biển… Những sản phẩm thủy sản chế biến này đã chinh phục được nhiều thị trường "khó tính" trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng có định hướng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản phải coi khách hàng là những người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp thủy sản tăng cường đầu tư công nghệ hơn nữa vào lĩnh vực chế biến, nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm chế biến khác để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Đồng thời, nghiên cứu văn hóa ẩm thực của từng thị trường cụ thể sẽ giúp cho các sản phẩm thủy sản chế biến đi sâu, đi đúng phân khúc thị trường, tránh tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu, mất cân bằng trong cung ứng sản phẩm.
Các sản phẩm thủy sản chế biến vốn cần rất nhiều nguyên liệu, phụ gia để làm nên sản phẩm. Vì vậy, vấn đề truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chế biến trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nguyên con.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp để thực hiện điều này.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là việc dán tem đơn thuần, mà phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất sản phẩm đến cung ứng sản phẩm. Cùng đó, đây là cách hỗ trợ được giao thương sản phẩm, sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán trao đổi thông tin thương mại.
Truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chế biến cũng là cách thuyết phục để tạo hàng rào kỹ thuật, bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, chế biến sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm để khách hàng tăng cơ hội lựa chọn, nhưng sản phẩm này phải đảm bảo có thể áp dụng công nghệ để sản xuất, tránh hiện tượng phải áp dụng thủ công để làm ra một sản phẩm. Như vậy, tránh việc vô tình làm cho sản phẩm chế biến tăng giá thành và giảm giá trị. Khi giá quá cao sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm khác.
*Chuyển hướng thị trường
Trước xu thế cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế lớn, cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia là một xu hướng tất yếu. Thông qua các cuộc chiến thương mại, các nền kinh tế lớn thiết lập một mối quan hệ khác biệt với các nền kinh tế khác trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là cách để các nền kinh tế này khẳng định bản lĩnh thâu tóm thị trường.
Hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung đã có tác động không nhỏ đến ngành thủy sản của Việt Nam, dù sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở 177 quốc gia.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn của thế giới. Dù phân khúc thị trường khác nhau, nhưng kim ngạch, lợi nhuận mang lại cho Việt Nam đều là những con số hàng chục tỷ USD.
Nói về sức ảnh hưởng của thị trường thế giới đến thủy sản Việt Nam, phải kể đến những khó khăn mà thủy sản Việt Nam gặp phải trong thời gian 2 năm về trước.
Điển hình là hình ảnh con cá tra Việt Nam bị truyền thông Tây Ban Nha hiểu chưa đúng và bội nhọ. Hệ lụy là toàn bộ sản phẩm cá tra Việt Nam bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị ở Tây Ban Nha.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, giảng viên Trường đại học Nha Trang, giữa các cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp và nhà kinh tế Việt Nam phải phân tích một cách kỹ lưỡng những thiệt hại và điều lợi từ các thị trường lớn này.
Điển hình, ngành cá tra có lợi hơn so với các loại cá khác của Trung Quốc khi vào thị trường Hoa Kỳ, sẽ được người tiêu dùng Hoa Kỳ lựa chọn nhiều hơn.
Nhưng bất lợi ở chỗ, sản phẩm thủy sản của Trung Quốc khó tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ thì sẽ tăng chính sách thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như tại các quốc gia khác.
Điều này vô tình làm cho sản phẩm cá tra Việt Nam muốn vào thị trường Trung Quốc sẽ khó hơn so với trước đây, vì khó cạnh tranh với các loại thủy sản nội địa Trung Quốc. Đồng thời, nhiều khả năng cá tra Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với thủy sản Trung Quốc ngay trên sân nhà.
Vì vậy, chính doanh nghiệp và ngành thủy sản Việt Nam phải có chiến lược dung hòa giữa các thị trường, đa dạng thị trường để cân bằng nguồn cung sản phẩm thủy sản đến các thị trường, tránh tình trạng lệch cán cân, sẽ gây tác dụng ngược cho toàn ngành và cả thị trường nội địa.
Tiến sĩ Paul S. Valle, chuyên gia ngành thủy sản tại Na Uy bày tỏ, ngoài các thị trường lớn, truyền thống như trước đây, ngành thủy sản Việt Nam cũng nên thay đổi “dòng chảy” cho sản phẩm của mình, chuyển hướng sang các thị trường châu Á, châu Phi, Trung Đông, khu vực Nam Mỹ; trong đó, Nam Mỹ được đánh giá là khu vực có mức tăng trưởng nhanh hiện nay. Thị trường này sẽ mang lại chiều hướng khả quan cho ngành cá tra Việt Nam./.
(Theo BNews)