Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn TP còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất được cho là giải pháp tối ưu nhất, khắc phục những hạn chế trong việc nuôi trồng, tiêu thụ và chế biến thủy sản.
Khắc phục khó khăn
Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển NTTS. Những năm qua, TP đã có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển NTTS, hình thành được nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành thủy sản Hà Nội vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định từ khâu chọn giống, kỹ thuật nuôi, thu hoạch, đến chế biến, bảo quản... Hiện tại, hầu hết các cơ sở NTTS trên địa bàn TP còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường, thương lái.
Các mặt hàng thủy sản chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng. Phương thức bảo quản, chế biến còn nhiều bất cập, làm giảm giá trị của sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề ATTP thủy sản chưa được người nuôi trồng quan tâm.
Xác định hướng đi bền vững cho ngành NTTS của TP là gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATTP, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, năm 2018, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã triển khai mô hình chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Mô hình được triển khai thí điểm tại huyện Ứng Hòa với diện tích 1ha, Ba Vì 5ha. Tham gia vào mô hình, các hộ ngoài được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, còn được liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Các hộ phải cam kết thực hiện nuôi theo đúng quy trình ATTP. Dự án mới ở giai đoạn đầu nhưng đã khẳng định được hiệu quả thiết thực, khắc phục những khó khăn của người nông dân.
Hướng đi bền vững
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào mô hình liên kết, anh Nguyễn Văn Thuật, xã Trung Tú, Ứng Hòa chia sẻ: "Tham gia vào chuỗi sản xuất đã giúp tôi giải quyết một số khó khăn trong khâu nhập giống, thức ăn cho thủy sản, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Cùng với đó, công tác phòng chữa bệnh cho thủy sản cũng được triển khai đồng loạt, quy mô, hiệu quả hơn. Việc đánh giá nhu cầu của thị trường cũng sát thực tế hơn, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm mở rộng quy mô nuôi trồng. Bên cạnh đó, nhờ liên kết trực tiếp giữa người sản xuất với nơi tiêu thụ đã hạn chế tối đa khâu trung gian, đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, là tiền đề để phát triển các vùng NTTS quy mô lớn theo hướng hàng hóa.
Theo Chi cục Phó Chi cục Thủy Sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, việc hình thành chuỗi liên kết trong NTTS, ngoài mục tiêu đảm bảo đầu ra ổn định còn hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một xu thế tất yếu giúp ngành NTTS phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết trong NTTS. Cụ thể, việc kết nối các DN tham gia bao tiêu sản phẩm cho các hộ gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn TP chưa có DN nào chuyên về chế biến sản phẩm thủy sản, mới chỉ dừng lại ở việc sơ chế nên hiệu quả kinh tế không cao. Ông Sơn cho rằng thời gian tới, TP cần có những chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực thủy sản.
(Theo KT&ĐT)