Nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn (Ninh Bình): Một năm thắng lớn

Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) là huyện duy nhất của tỉnh tiếp giáp với biển, chiều dài bờ biển khoảng hơn 15 km. Tuy không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp song lại rất thích nghi để phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản.

 Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Kim Sơn hiện là 4.080 ha, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là 3.115 ha, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 968 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tập trung tại khu vực từ đê Bình Minh 1 ra đến Cồn Nổi, tại địa phận các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải với các giống: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, ngao...

Diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt nằm rải rác tại các địa phương khác, xen kẽ với diện tích trồng lúa. Một số địa phương có diện tích lớn như: Thị trấn Bình Minh 35 ha, Yên Lộc 23 ha, Văn Hải 20 ha...

Ngoài các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản có sẵn, một phần chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, chủ yếu nuôi thả các giống cá hoặc tôm thẻ chân trắng nước ngọt.

Trong năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn song sản lượng thủy sản thu về vẫn vượt kế hoạch. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 20.000 tấn, đạt 106% kế hoạch. Sản lượng thủy sản nước mặn, lợ là 16.580 tấn, đạt 108% kế hoạch, trong đó: Ngao 14.000 tấn, tôm sú 340 tấn, cua xanh 400 tấn, tôm thẻ chân trắng 380 tấn... Sản lượng thủy sản nước ngọt là 3.640 tấn, đạt 100% kế hoạch, trong đó: cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép là 2.400 tấn, tôm thẻ nước ngọt 100 tấn, các giống cá khác 1.120 tấn...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cua xanh và ngao là giống thủy sản nước mặn, lợ cho sản lượng và giá trị kinh tế cao nhất trong năm vừa qua.

Gia đình ông Phạm Văn Tường, xóm 6, xã Kim Đông thả 25 vạn giống cua xanh trong 5 đầm ươm. Sau một thời gian, ông cung cấp con giống cho các khách hàng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... Hơn 10 vạn giống còn lại, ông nuôi dưỡng để bán cua thịt. Ông Tường cho biết: Mỗi năm gia đình nuôi thả 2 lứa cua giống, lứa 1 từ tháng 3 đến tháng 6, lứa 2 từ tháng 6 đến tháng 10. Sau khi bán một phần con giống, một phần gia đình để lại nuôi.

Năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn song sản lượng thủy sản thu về vẫn vượt kế hoạch. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt hơn 20.000 tấn, đạt 106% kế hoạch. Sản lượng thủy sản nước mặn, lợ là 16.580 tấn, đạt 108% kế hoạch, trong đó: Ngao 14.000 tấn, tôm sú 340 tấn, cua xanh 400 tấn, tôm thẻ chân trắng 380 tấn... Sản lượng thủy sản nước ngọt là 3.640 tấn, đạt 100% kế hoạch.

Trong năm nay, cua được giá cao, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5, giá cua đỉnh điểm lên đến 400 - 450 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, vụ cua năm nay gia đình thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng.

Ông Tường cho biết thêm, giá cua tăng cao một phần là do nhu cầu lớn của thị trường, thêm vào đó, chất lượng cua năm nay khá tốt, thịt chắc, gạch nhiều nên được giá.

Không phải là con giống có thời gian sinh trưởng ngắn như cua xanh, người nuôi phải mất từ 18 - 24 tháng mới có thể thu hoạch một vụ ngao. Năm nay là năm thu hoạch ngao của gia đình anh Trần Văn Quyền, xóm 8B xã Cồn Thoi. Gia đình anh nuôi 6 ha ngao ngoài vùng đê Bình Minh 3, anh cho biết: Đến nay, công tác thu hoạch đã hoàn tất, sản lượng ngao đạt trung bình 35 tấn/ha. Với hơn 200 tấn ngao thu hoạch được, trừ chi phí gia đình anh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Anh cho biết thêm, vụ ngao vừa qua là vụ sản xuất thắng lợi.

Tuy vậy, nếu như tỷ lệ sống cao hơn thì giá trị kinh tế thu về còn cao nữa. Anh Quyền giải thích, sau khi được ươm thả tại ao, đầm trong khu vực Bình Minh 3, ngao mới được đưa ra khu vực nuôi rộng 6 ha phía ngoài đê.

Tại đây, diện tích nuôi được ngăn bằng tấm lưới, có lao động túc trực chăm sóc hàng ngày. Nhưng những ngày giao nước, một lượng ngao bung dù trôi mất, thêm vào đó, một lượng con giống yếu bị chết... khiến tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 60%. Anh Quyền khoe với chúng tôi chiếc xe ô tô 4 chỗ của gia đình, tiền mua cũng từ con ngao mà ra.

Cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhiều địa phương của huyện Kim Sơn như thị trấn Bình Minh, Chất Bình, Yên Lộc, n Hòa, Văn Hải, Kim Chính, Thượng Kiệm... tích cực quy hoạch các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới. Tại xã Như Hòa, nhiều mô hình như vậy đã được hình thành và phát triển.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thảnh tại xóm 7 là một trong những điển hình thành công về phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. “Ăn chắc” với việc sản xuất giống cá trắm đen, mỗi năm, gia đình anh xuất bán khoảng 4 tấn cá giống, thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần nuôi cá truyền thống và gấp nhiều lần trồng lúa. Hay như mô hình nuôi luân phiên tôm - cá của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tỉnh tại xóm 8 xã Thượng Kiệm thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có thể khẳng định, năm 2016 vừa qua là một năm sản xuất thắng lợi của ngành nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn. Kết quả đó mở ra khả năng lớn để khai thác tối đa thế mạnh vùng đầm, bãi, mặt nước để nuôi, trồng thuỷ sản. Tuy vậy, nuôi trồng thuỷ sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố: vốn, môi trường, con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm...

Để nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn phát triển bền vững, tạo ra giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân, ngoài sự chủ động của người dân cũng rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, có thêm các chính sách hỗ trợ về đất, vốn, khoa học kỹ thuật... mở thêm cho người dân cơ hội làm giàu trên quê hương.

Báo Ninh Bình

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục