Nuôi thuỷ sản an toàn ứng dụng Biofloc, năng suất tăng 20 tấn/ha

Toàn TP.Hà Nội hiện có 21.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS). Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hà Nội sẽ vào khoảng 250.000 tấn/năm, vì vậy thành phố đang có chủ trương xây dựng các vùng NTTS tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Mới đáp ứng được 40% nhu cầu

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, hoạt động NTTS đang thu hút sự tham gia của trên 18.000 hộ, 23 hợp tác xã thủy sản và 17 cơ sở sản xuất giống. Một số vùng NTTS lớn là Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa… Dù sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt trên 110.000 tấn/năm, song mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân Hà Nội.

"Việc đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS đem lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên lại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Theo lãnh đạo một số HTX, đối với công nghệ Biofloc, chi phí đầu tư lên tới 70 triệu đồng/ha. Do đó, để các hộ mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào NTTS, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về vốn và đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa mất giá".
 

Được biết, trong thời gian vừa qua, ngành thủy sản Hà Nội phải đối diện với không ít thách thức, khó khăn, nhất là hạ tầng NTTS thiếu đồng bộ do thiếu sự quy hoạch, quy mô nuôi nhỏ lẻ, manh mún…

Chia sẻ với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Minh - chủ một trang trại nuôi thủy sản ở huyện Ứng Hòa cho biết: "Khó khăn nhất với người nuôi hiện nay là nguồn giống thủy sản còn trôi nổi, khó truy xuất nguồn gốc. Nguồn cá giống chưa đa dạng, chất lượng không ổn định và khó kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn sản phẩm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố ở dạng tươi sống, cũng có một số cơ sở sơ chế, chế biến nhưng ở quy mô rất nhỏ".

Cùng chung nỗi trăn trở, ông Phạm Văn Hiện - Giám đốc HTX NTTS Giới Hiện (huyện Thường Tín) cho rằng: "Hiện người nuôi luôn sẵn sàng bỏ công sức, vốn đầu tư ra làm nghề song, cái khó là hiện nay nguồn giống thiếu ổn định, chưa được truy xuất nguồn gốc đang khiến chất lượng thủy sản không đồng đều. Cùng với đó là việc thu hoạch thủy sản cũng không tập trung nên dễ bị thương lái ép giá, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế".

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, bên cạnh những rào cản trên, ngành thủy sản Hà Nội còn đối diện với nhiều thách thức khác. Điển hình là hạ tầng tại những vùng NTTS lớn như Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên… còn thiếu đồng bộ; 18.000 hộ NTTS trên địa bàn chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, thâm canh và bán thâm canh nên chất lượng sản phẩm thuỷ sản thu hoạch không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp...

Áp dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản

Để khắc phục những tồn tại trên, từng bước phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: Thời gian tới, Hà Nội cần xây dựng những vùng NTTS tập trung, chú trọng áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, giảm thiểu ảnh hưởng của hóa chất trong phòng trị bệnh, giảm áp lực về môi trường và tiết kiệm nguồn nước. Phát triển các đơn vị sản xuất giống trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và kháng dịch bệnh.

nuoi thuy san an toan ung dung biofloc, nang suat tang 20 tan/ha hinh anh 2

Là vùng đất chiêm trũng với diện tích mặt nước lớn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tận dụng lợi thế, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa

 

 

"Bên cạnh đó cần tích cực ứng dụng quy trình GAP/BMP trong nuôi trồng thủy sản nhằm quản lý tốt chất lượng nguồn nước, xử lý dịch bệnh. Xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các vùng NTTS. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị thương mại…" - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, việc ứng dụng công nghệ trong NTTS cũng đã được trung tâm xem là giải pháp quan trọng cần được chú trọng làm quyết liệt. Thực tế những năm qua, nhiều mô hình NTTS theo hướng bền vững đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội.

Điển hình, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thí điểm NTTS theo hướng an toàn sinh học ứng dụng công nghệ Biofloc, được thực hiện tại 4 vùng sinh thái của thành phố, cho năng suất trung bình lên tới 20 tấn/ha (cao hơn 2 lần so với cách thức nuôi truyền thống). Qua đó, giúp tăng giá trị kinh tế trên 30% cho người nuôi.

“Trong đó, có một số mô hình NTTS tiên tiến như: Hệ thống nuôi cá sông trong ao (IPRS), quy trình nuôi ghép cá rô phi - trắm - chép theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi cá 3C (giống sạch - nguồn nước sạch - môi trường nuôi sạch)… đều mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời giảm nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường" - bà Hương cho hay.

(Theo Dân Việt)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục