Nhiều rào cản trong xuất khẩu

Bộ Công thương nhận định, chín tháng qua, so cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu (XK) hàng hóa tăng cao, nhiều mặt hàng XK chủ lực giữ đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều rào cản đang là thách thức lớn đối với hoạt động XK của nước ta.

Xuất khẩu tăng trưởng cao

Liên bộ Tài chính - Công thương ước tính, kết thúc ba quý đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa của cả nước đạt hơn 154 tỷ USD, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh nghiệp (DN) hoàn toàn vốn trong nước đạt 43,17 tỷ USD (tăng 16,8%); DN có vốn nước ngoài (tính cả dầu thô) gần 110,9 tỷ USD (tăng 21%). XK tăng trưởng đồng đều tại các nhóm hàng, như nông, thủy sản tăng 18,9%; nhiên liệu và khoáng sản tăng 35% và nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 20,2%. Ðáng chú ý, nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng trưởng cao, đạt 19,33 tỷ USD. Ðây là mặt hàng XK chủ yếu của khối DN vốn trong nước, kéo theo XK của khối này tăng 16,8%, đạt 43,175 tỷ USD. Ðặc biệt, rau quả tăng 45,6%, đạt 2,66 tỷ USD, là kết quả cụ thể công tác phát triển thị trường nhiều năm trước. Ðến nay, hoa quả Việt Nam đã xuất hiện tại nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải), Nhật Bản (xoài, thanh long), Ô-xtrây-li-a (thanh long, vải, xoài), Niu Di-lân (xoài, thanh long)...

Với thủy sản, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng XK chủ lực là tôm và cá tra chậm lại, nhưng sản lượng cá ngừ, bạch tuộc và hải sản khác đồng loạt tăng mạnh, giúp mặt hàng thủy sản có mức tăng 19,2%, đạt 5,96 tỷ USD. XK gạo hơn 4,6 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn hai tỷ USD, tăng 19,5% theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại cùng các khu vực thị trường mới nhiều tiềm năng. Cơ cấu gạo XK tiếp tục chuyển dịch tích cực, giảm mạnh phân khúc cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng, giá trị cao, phù hợp định hướng phát triển thị trường XK.

Các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến tăng trưởng XK mạnh, giá trị cao, ổn định từ năm 2011 đến nay là điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cùng với duy trì đà tăng trưởng XK sang các thị trường truyền thống Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản thì các DN đã thành công trong mở rộng, phát triển thị phần sang các nước và khu vực khác như: Hàn Quốc, ASEAN, Ca-na-đa, Nga... Mặt hàng này có nhiều cơ hội tại thị trường mới, nhất là thị trường nhỏ, chưa có thương hiệu nổi tiếng. Dự báo thời gian tới, khi những nhà máy sản xuất điện thoại và linh kiện của các hãng lớn trên thế giới đầu tư tại Việt Nam dần ổn định, XK điện thoại và linh kiện sẽ tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu hàng dệt may đạt 19,255 tỷ USD, tăng 8,6% và gia tăng thị phần tại các thị trường XK chủ lực như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Trung Quốc. XK xơ sợi là điểm sáng khi tăng 23,3%, đạt hơn 2,6 tỷ USD. XK gỗ và sản phẩm gỗ sau thời gian chìm lắng đã lấy lại đà tăng trưởng mấy năm trước, hiện tăng 11%, đạt 5,5 tỷ USD.

Nhiều rào cản mới

Cục Xuất khẩu (Bộ Công thương) nhận định, dù ba quý đầu năm, hoạt động XK hàng hóa có kết quả tích cực, nhưng những tháng cuối năm và một số tháng đầu năm tới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Giá cả trên thị trường thế giới biến động khó đoán, cả hai chiều XK và nhập khẩu; xu hướng tương đối phổ biến từ các nước nhập khẩu (NK) là tăng cường sản xuất tự đáp ứng nhu cầu; cạnh tranh gay gắt từ các nước XK khác; xuất hiện nhiều rào cản mới với hàng XK nước ta.

XK nông sản đang là điểm sáng, tăng trưởng nhanh; một số hoa quả đã được các thị trường khó tính chấp nhận, tuy nhiên, giá trị tuyệt đối rất nhỏ. Ðể XK số lượng lớn, đa dạng chủng loại có chất lượng cao, đồng đều, ổn định và bền vững, đòi hỏi nền sản xuất phải thay đổi căn bản, quy mô lớn, hoạt động theo chuỗi có giám sát chặt chẽ từng khâu, loại bỏ lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, quy mô gia đình hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp nước ta.

Có thể nói, chưa bao giờ an toàn thực phẩm được thế giới quan tâm như hiện nay và ngày càng đòi hỏi siết chặt quản lý. Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ là một thí dụ, yêu cầu kiểm soát thực phẩm tại mọi khâu trong quá trình trước khi đến tay người tiêu dùng, từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói, phân phối... với quy trình chặt chẽ, phức tạp để có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm kèm chế tài nghiêm ngặt, tuyệt đối không phân biệt đối tượng điều chỉnh và không có ngoại lệ. Hoặc, quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản của EU đòi hỏi từng mẻ hải sản phải có hồ sơ, minh bạch thời gian, địa điểm, phương tiện, dụng cụ đánh bắt. Nông sản và thủy sản, hai thế mạnh của nước ta cần được đầu tư lớn, chuẩn bị kỹ lưỡng từ kỹ thuật sản xuất đến cơ sở pháp lý, đáp ứng đòi hỏi của thị trường khó tính và là xu hướng tất yếu thế giới hiện đại, văn minh đang hướng đến.

Cùng an toàn thực phẩm là các hàng rào phòng vệ thương mại từ các nước NK dựng lên khắp nơi. Những vụ kiện chống bán phá giá, kiểm soát thao túng thị trường ngày càng nhiều, với các mặt hàng từ bật lửa, nan hoa đến xơ sợi, tôn mạ kẽm. Nhiều điều kiện bị nhà NK đơn phương đưa ra, không ít bất công và mang tính phân biệt đối xử đang đẩy nhiều DN, ngành hàng nước ta vào kiện tụng kéo dài, tốn kém...

Xuất xứ hàng hóa cũng không thể xem nhẹ. XK nước ta hưởng lợi nhiều từ giảm thuế do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Một số quốc gia láng giềng không có lợi thế tương tự tìm cách đưa sản phẩm cùng loại như: Xơ sợi, tôn, thép, rau, quả... vào nước ta, với sự tiếp tay của DN trong nước, nhằm gian lận xuất xứ để XK sang nước thứ ba hưởng thuế suất. Dù cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo, không ít DN trong nước làm liều, ham lợi nhuận mà không lường thiệt hại lớn cho ngành hàng, thương hiệu quốc gia khi bị phát hiện.

Nhằm nâng cao năng lực XK, Chính phủ đã và đang chỉ đạo ngành công thương rà soát các dự án, đặc biệt dự án làm hàng XK, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành, tạo nguồn hàng XK; cùng ngành nông nghiệp tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu nâng giá trị gia tăng, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, sản xuất sản phẩm đáp ứng an toàn thực phẩm, yêu cầu của thị trường XK; đơn giản hoặc giảm bớt quy định về điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN tham gia thị trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XK, nhập khẩu.

(Theo Báo Nhân dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục