Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đồng đều cũng như mẫu mã bắt mắt, khác biệt là vấn đề mấu chốt để hàng Việt có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc cũng như thế giới.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc chưa biết đến các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi đôi với đưa thương hiệu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá trị xuất khẩu.
Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương nhận định, thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Tỷ trọng hàng hóa đi dần về các sản phẩm chế biến và hàm lượng chất xám tăng cao, nâng cao giá trị gia tăng. Trong ngành nông nghiệp, hàng đông lạnh, rau quả chế biến chiếm tương đối khá về cơ cấu hàng hoá Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đồng thời, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 29,1 tỷ USD tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó xuất khẩu đạt hơn 6,5 tỷ USD tăng 28,6%, nhập khẩu đạt 22,5 tỷ USD tăng 51,3%.
Trong đó, các nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế suất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc VKFTA (có hiệu lực từ tháng 12/2015) của Việt Nam đều tăng trưởng cao. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, nhóm hàng nông thủy sản đạt kim ngạch 497 triệu USD, tăng 29%. Mặt hàng thủy sản tăng gần 28%, đạt 328 triệu USD, rau quả tăng 12%, đạt gần 50 triệu USD...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết trong những năm qua, các mặt hàng nhập khẩu gồm nông sản như rau, củ quả của Hàn Quốc đa phần nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hàn Quốc bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những nguồn cung cấp khác ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Năm 2016, hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc được hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc (mỗi năm, Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỷ USD các sản phẩm nông lâm thuỷ sản). Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trung, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các DN Việt Nam vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Chính vì vậy, còn rất nhiều cơ hội cho hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc nếu các DN tận dụng được những lợi thế từ VKFTA. Tiêu biểu trong đó là hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, cao su, thực phẩm chế biến...
Ông Trung lưu ý các DN, khi xuất khẩu vào Hàn Quốc cần chú ý đến khẩu vị của người tiêu dùng nơi đây để điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu thị trường. DN xuất khẩu Việt Nam nên sang Hàn Quốc để khảo sát thị trường nhằm tiếp cận người tiêu dùng, xem thị hiếu trường và tham gia các hội chợ tổ chức ở đây.
Ở góc độ nhà phân phối lớn, ông Yoon Byungsoo, Giám đốc chiến lược Lotte Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Tập đoàn này có 121 siêu thị tại Hàn Quốc, 13 siêu thị tại Việt Nam, 115 siêu thị tại Trung Quốc và 45 siêu thị tại Indonesia. Do vậy, khi đã cung ứng hàng cho Lotte tại một nước thì cơ hội xuất vào các siêu thị Lotte ở các nước khác là rất lớn. Trong quá trình hợp tác, Lotte sẽ hỗ trợ bằng phương thức góp ý để cải thiện sản phẩm. DN có thể tham khảo thông tin trên trang website Lotte Hàn Quốc để theo dõi danh mục hàng hóa của Việt Nam đang bán vào siêu thị ở đây.
Theo Giám đốc chiến lược Lotte Việt Nam, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đồng đều cũng như các mẫu sản phẩm bắt mắt, có sự khác biệt, tạo hiệu ứng thu hút được nhiều người tiêu là vấn đề mấu chốt để hàng Việt có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc cũng như thế giới.
Hiện nay, khách du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản đến du lịch ở Việt Nam đã có thói quen mua một số sản phẩm của Việt Nam về làm quà như mứt dừa, dầu dừa, xoài sấy dẻo, cà phê... Đây cũng là yếu tố mà các DN Việt Nam cần hướng tới để có thể xuất khẩu “tại chỗ” các mặt hàng nông sản truyền thống.
(Theo VGP)