Hiện nay Việt Nam có khoảng 760 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có 636 doanh nghiệp đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm vào các thị trường như: EU; Hàn Quốc; Trung Quốc; Nhật Bản; Các thị trường thuộc liên minh kinh tế Á - Âu; Braxin; Argentina...
Ngoài ra cả nước còn có khoảng 3.000 cơ sở chế biến thủy sản nhỏ lẻ, chế biến các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu nội địa, du lịch và xuất khẩu tại chỗ; năng lực chế biến thủy sản toàn ngành khoảng trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Về nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản chủ yếu từ 2 nguồn chính là thủy sản nuôi trồng, khai thác và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. trong đó, nguồn nguyên liệu nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 50% tổng sản lượng các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nhuyễn thể; về nguyên liệu khai thác thủy sản chiếm khoảng 46% với các đối tượng chủ lực như cá ngừ đại dương, mực, bạch tuộc...
Về chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản: Ngành thủy sản là một trong ít ngành hàng hội nhập kinh tế quốc tế sớm nhất trong các ngành nông nghiệp nên việc đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng luôn đặt lên vị trí hàng đầu, nhờ đó sản phẩm thủy sản luôn đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khắt khe như: EU, Nhật, Mỹ, Úc ... các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến, tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu từng thị trường, trước đây sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm dạng thô thì hiện nay tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao đã đạt khoảng 50% sản lượng. Sản phẩm đa dạng với gần 1.000 chủng loại, nhiều mặt hàng giá trị gia tăng mới đáp ứng được yêu cầu thị trường như các sản phẩm ăn liền, làm sẵn hay các sản phẩm, hóa mỹ phẩm được chế biến từ nguyên liệu thủy sản.
Về thị trường xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 160 thị trường với các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và một số đối tượng/sản phẩm quan trọng như: Mực, bạch tuộc, cá biển, nghêu đông lạnh và hàng khô. Thị trường chính là: EU; Mỹ và Nhật Bản; Trung Quốc, và một số thị trường khác như Hàn Quốc, các nước thuộc khối Asean, Úc.
Đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa, Việt Nam với gần 100 triệu người với mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản ngày một tăng, ước đạt khoảng 30kg/người mỗi năm thì thị trường nội địa đang trở nên quan trọng. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản và thương mại quan tâm đầu tư chế biến và phân phối thủy sản đã góp phần thay đổi thói quen tiêu thụ thủy sản tươi chưa qua chế biến của người tiêu dùng hướng tới sản phẩm đã qua chế biến, phối chế, ăn liền phong phú, phù hợp với xu hướng đô thị hóa và đáp ứng nhu cầu của lớp trẻ hiện nay.
Với mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2020 đạt sản lượng 7,5 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, tốc độ tăng thu nhập từ thủy sản đạt tối thiểu 5%/năm; đến năm 2030 tổng sản lượng thủy sản đạt trên 9 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt trên 18 tỷ USD, tốc độ tăng thu nhập từ thủy sản đạt tối thiểu 10%/năm, phát triển ngành thủy sản thành ngành công nghiệp có quy mô lớn, bền vững. Để đạt được các mục tiêu trên thì ngành thủy sản cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Về chế biến thủy sản: Khuyến khích đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng sử dụng tối đa công suất, tự động hóa nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của thủy sản Việt Nam; Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản; Tập trung chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ tôm, cá ngừ đại dương, cá tra, rong biển, nhuyễn thể và phụ phẩm từ thủy sản; hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản sản xuất ra các sản phẩm sơ chế đã dư công suất, khuyến khích đầu tư cơ sở sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng; Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chế biến, bảo quản thủy sản như: Công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy bức xạ hồng ngoại, công nghệ Enzyme, công nghệ bảo quản thủy sản bằng phương pháp ngủ đông...
Về thị trường: Trong thời gian ngắn thực hiện các đàm phán gỡ bỏ các rào cản thương mại không công bằng, tăng cường xây dựng chương trình hợp tác với cơ quan kiểm tra chất lượng tại các nước nhập khẩu, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, đặc biệt là dư lượng thuốc kháng sinh và các chất cấm. Về dài hạn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu thủy sản; phát triển, hình thành, tham gia kênh phân phối trên các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và kênh phân phối cho khu vực Trung Đông, Bắc Phi, phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị ...
Đối với thị trường nội địa: Tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch hệ thống chợ đầu mối và kênh tiêu thụ từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị. Phát triển thị trường nội địa thông qua kênh bán lẻ hiện có và mở thêm các kênh phân phối chuyên nghiệp tại các vùng miền.
(Theo TCTS)