Thu mua, chế biến thủy sản là những công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa trong chuỗi sản xuất thủy sản. Vì vậy, việc tăng cường quản lý hoạt động thu mua, chế biến thủy sản luôn được các ngành chức năng quan tâm.
Hiện toàn tỉnh Nam Định có 110 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Địa bàn thu mua chủ yếu ở các địa phương trọng điểm về khai thác, nuôi trồng thủy sản như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Đối tượng thu mua các sản phẩm hải sản của những tàu khai thác hoạt động tại các cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); bến cá Quần Vinh 2, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng); chợ cá Giao Hải (Giao Thủy)…
Có một thực tế là nhiều cơ sở thu mua thủy sản nhỏ lẻ không chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm nên thu mua hải sản không rõ nguồn gốc từ nhiều tàu khai thác khác nhau nên khó kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Đặc biệt, trong quá trình bốc dỡ các sản phẩm từ những tàu khai thác xa bờ về, vẫn có cơ sở thu mua không tuân thủ các yêu cầu quy định khiến hải sản bị nhiễm bẩn, dập nát, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với hoạt động chế biến thủy sản đa dạng nhiều hình thức như chế biến thủy sản ăn liền, hải sản khô, nước mắm, mắm tôm…
Theo quy định, các cơ sở chế biến thủy sản nói chung ngoài các điều kiện về thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thủy sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... thì nhà xưởng và trang thiết bị phục vụ cho quá trình chế biến phải phù hợp yêu cầu xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản… Bởi sản phẩm là thực phẩm tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nên việc đảm bảo các điều kiện, quy định trong toàn bộ quy trình sản xuất chế biến hải sản là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, các doanh nghiệp chế biến phần lớn còn sử dụng công nghệ lạc hậu. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phát triển nhanh nhưng phần lớn chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu sản xuất hàng tiêu thụ nội địa hoặc chỉ gia công sơ chế nguyên liệu… Không những thế, phần lớn mẫu mã các sản phẩm chế biến khi đến tay người tiêu dùng vẫn chưa thực sự bắt mắt, thời gian sử dụng ngắn và khó khăn trong việc vận chuyển đi tiêu thụ ở xa; hình thức bao bì, nhãn mác sản phẩm còn chưa được chú ý, trình bày sơ sài, đóng gói thủ công nên giá trị thương mại không cao.
Để thúc đẩy hoạt động thu mua, chế biến thủy sản phát triển, Sở NN và PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, xã nắm bắt thông tin, định hướng truyền thông kịp thời về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản trên thị trường cho các cơ sở, doanh nghiệp... Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua của đại lý, thương lái để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép. Yêu cầu và giám sát chủ các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, đảm bảo phải có sổ ghi chép đầy đủ cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy phép sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất thiết bị chứa đựng bảo quản phải đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tới cơ sở thu mua thủy sản Chính Vui, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), một trong những cơ sở thu mua được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, cơ sở chỉ thu mua hải sản từ những tàu khai thác được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà cơ sở xây dựng và công bố; có đầy đủ sổ ghi chép cho mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu thủy sản.
Các sản phẩm hải sản phải còn tươi sống, không có tạp chất, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Các nhân viên của cơ sở trong quá trình thu mua trực tiếp tiếp xúc với hải sản luôn sử dụng bảo hộ quần, áo, mũ, găng tay… để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh cho các sản phẩm hải sản. Trong quá trình bốc dỡ sản phẩm hải sản từ những tàu khai thác xa bờ về, cơ sở tuân thủ các yêu cầu không làm nhiễm bẩn hải sản, các thao tác được thực hiện nhanh chóng, nhẹ nhàng, tránh gây dập nát, hư hỏng hải sản. Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là doanh nghiệp chế biến hải sản lớn trong tỉnh chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và các sản phẩm từ sứa. Năm 2004, Cty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Ninh Cơ” cho các sản phẩm hải sản chế biến và đã chú trọng đầu tư cho công tác đóng gói bao bì, thiết kế nhãn mác các sản phẩm hấp dẫn đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng lâu dài trên thị trường. Gần đây, Cty còn mở rộng thêm 20 nghìn m2 nhà xưởng, các bể chứa nhằm tăng năng lực sản xuất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Để đảm bảo an toàn chất lượng nguyên liệu đầu và an toàn thực phẩm thủy sản đến tay người tiêu dùng; góp phần xây dựng nền kinh tế thủy sản xứng đáng là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian tới Sở NN và PTNT tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản. Sở tiếp tục phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở thu mua và chế biến hải sản Luật Bảo vệ môi trường, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình làm nghề. Tăng cường xử lý kiểm tra các trường hợp làm hại đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của nhóm hàng hải sản và kiểm tra điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Kêu gọi đầu tư cho các dự án sản xuất và chế biến sản phẩm thủy sản, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao. Yêu cầu các địa phương phải gắn phát triển vùng nuôi thủy sản và khai thác thủy sản tập trung với công nghiệp chế biến để đảm bảo đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tiết kiệm được chi phí. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho người tham gia kinh doanh, chế biến thủy sản thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất thủy sản; triển khai xây dựng chương trình quảng bá, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm thủy sản thế mạnh đặc trưng của từng địa phương và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá một số sản phẩm thủy sản chủ lực tiêu biểu của tỉnh./.
(Theo báo Nam Định)