Trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi thường dùng thuốc hoặc hóa chất để phòng trị bệnh cho vật nuôi và môi trường. Xin giới thiệu một số phương pháp dùng thuốc và hóa chất thường được áp dụng để phòng trị các bệnh bên ngoài và bên trong cơ thể của thủy sản.
Tắm cho động vật thủy sản: Thu gom động vật thủy sản vào trong một bể có thể tích nhỏ, pha thuốc hoặc hóa chất có nồng độ cao, tắm nhanh cho động vật thủy sản để trị các sinh vật gây bệnh bên ngoài cơ thể. Phương pháp này tốn ít thuốc, không ảnh hưởng đến sinh vật phù du là thức ăn của động vật thủy sản trong thủy vực.
Phun thuốc xuống ao: Dùng thuốc phun trực tiếp xuống ao nuôi với nồng độ thuốc thấp, song thời gian tác dụng của thuốc dài. Phương pháp này tuy tốn thuốc nhưng tiện lợi, dễ tiến hành, trị bệnh kịp thời. Phun thuốc xuống ao có thể tiêu diệt sinh vật gây bệnh ở các cơ quan bên ngoài của động vật thủy sản và sinh vật gây bệnh tồn tại trong thủy vực.
Treo túi thuốc, túi vôi: Quanh giàn cho động vật thủy sản ăn treo các túi thuốc hoặc vôi để tạo ra khu vực sát trùng. Phương pháp treo túi thuốc thích hợp để phòng bệnh cho động vật thủy sản và trị bệnh lúc mới phát sinh, thường áp dụng cho những ao nuôi cá có tập tính ăn quần đàn.
Dùng thuốc bôi trực tiếp lên cơ thể động vật thủy sản: Động vật thủy sản bị nhiễm một số bệnh ngoài cơ thể thường dùng thuốc có nồng độ cao bôi trực tiếp vào vết loét để giết chết sinh vật gây bệnh như bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét, bệnh do trùng mỏ neo, giun tròn ký sinh. Phương pháp này có thể dùng lúc đánh bắt cá bố mẹ để kiểm tra hay cho đẻ hoặc phòng trị bệnh lở loét nhiễm trùng cho ba ba. Ưu điểm tốn ít thuốc, độ an toàn lớn, thuận lợi và ít ảnh hưởng đến động vật thủy sản.
Trộn thuốc vào thức ăn: Dùng thuốc kháng sinh, vitamin, khoáng vi lượng, chế phẩm sinh học… trộn vào thức ăn, sau đó cho động vật thủy sản ăn theo các liều lượng. Thuốc trộn vào thức ăn được tính theo hai cách, lượng thuốc g/kg thức ăn hoặc lượng thuốc g/kg khối lượng cơ thể vật nuôi. Đây là phương pháp phổ biến thường dùng trong nuôi trồng thủy sản, dùng trị các bệnh do các sinh vật ký sinh bên trong cơ thể động vật thủy sản.
Tiêm thuốc cho động vật thủy sản: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào xoang bụng hoặc cơ của cá và các động vật thủy sản kích thước lớn. Phương pháp này liều lượng chính xác, thuốc hấp thu dễ nên tác dụng nhanh. Thường chỉ dùng biện pháp tiêm để chữa bệnh cho cá bố mẹ hay những lúc cá bị bệnh nặng mà số lượng cá bị bệnh nặng không nhiều hay một số giống, loài động vật thủy sản quý hiếm.
(Theo báo Phú Yên)