Theo Sở Công Thương Kiên Giang, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 317 triệu USD, đạt hơn 42% kế hoạch năm, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số này, xuất khẩu gạo đạt hơn 205.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 111 triệu USD; thủy sản với các sản phẩm tôm đông, cá đông, mực và bạch tuộc đông, hải sản đông khác là 18.219 tấn với kim ngạch xuất khẩu gần 94 triệu USD; giày da xuất khẩu trên 4,43 triệu đôi với kim ngạch hơn 60 triệu USD, còn lại là những sản phẩm hàng khác.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang tăng cường hoạt động ngoại thương với mục tiêu “kép”, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 1,73% so với tháng trước và lũy kế 5 tháng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.
Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước nhưng tỉnh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển khá tốt, nhiều sản phẩm có sản lượng tăng.
Ngoài ra, một số nước bùng phát dịch bệnh trong thời gian gần đây không phải là thị trường chính của doanh nghiệp nên hoạt động ngoại thương, xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Các doanh nghiệp giày da, may mặc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng theo đơn hàng được ký kết từ đầu năm, sản lượng sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến thủy sản của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hồi phục chậm, nguyên liệu thủy sản khan hiếm… Tình hình thiếu hụt nguồn lao động lĩnh vực sản xuất da giày do nhu cầu sản xuất tăng để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phát triển ổn định, từ nay đến cuối năm, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, vừa củng cố thị trường truyền thống, vừa tìm kiếm mở rộng thị trường mới, tiềm năng kết hợp với quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, nhất là hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo, thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp kinh doanh phù hợp, thích nghi với diễn biến của tình hình dịch bệnh, linh hoạt thực hiện kịp thời các hợp đồng cung ứng hàng hóa, nhất là tranh thủ những thị trường xuất khẩu hồi phục và ổn định, duy trì hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Không những thế, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện và phổ biến thông tin về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2021; cung cấp thông tin giá cả và tình hình thị trường trong, ngoài nước cho các doanh nghiệp để định hướng trong sản xuất kinh doanh, chế biến hàng hóa xuất khẩu…
Đặc biệt, nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tăng cường hoạt động xuất khẩu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, tình hình thị trường để kịp thời đề ra các giải pháp ứng phó, chủ động kinh doanh xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung sản xuất hiệu quả vụ lúa Hè Thu, Thu Đông và nuôi tôm nước lợ, nuôi biển đạt năng suất cao, chất lượng để cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu 2 mặt hàng nông sản chủ lực là gạo và thủy sản.
(Theo báo Tin tức)