Sáng 19/7, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang để bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và dự án khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe báo cáo, thảo luận các giải pháp để Kiên Giang trở thành tỉnh điểm về thực thi Luật Thủy sản năm 2017; chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), triển khai thực hiện các Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực thủy sản; xây dựng khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang (do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú làm chủ dự án).
Kiên Giang là tỉnh ven biển nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc, với diện tích vùng biển 63.290 km2, có 5 quần đảo với 143 hòn đảo, trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống. Vùng biển Kiên Giang được đánh giá là có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề cá, với trữ lượng trung bình hàng năm trên 500.000 tấn, bao gồm nguồn lợi cá biển, tôm và các loài giáp xác, nhuyễn thể…
Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 10.798 tàu khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công suất bình quân 258 CV/tàu. Những năm gần đây, tàu khai thác thủy sản của tỉnh phát triển mạnh, số lượng tàu đóng mới có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủy sản năm 2017, các giải pháp về chống khai thác IUU đã được ngành chức năng triển khai, 100% chủ tàu và thuyền trưởng khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng tàu vi phạm và bị nước ngoài bắt giữ vẫn còn xảy ra, mặc dù có giảm. “Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, Vùng 5 Hải Quân và Sở Ngoại vụ Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm có 14 tàu cá, với 129 ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, giảm 17 tàu và 38 ngư dân so với cùng kỳ”, ông Thao báo cáo.
Ông Lê Hoàng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang nêu khó khăn: “Việc rút giấy phép khai thác đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hiện gặp khó khăn, vướng mắc do đơn vị chỉ nhận được thông báo của cơ quan chức năng, nhưng thiếu biên bản vi phạm hoặc bản án do tòa án của các nước bắt giữ tuyên. Do đó, thiếu cơ sở pháp lý để xử lý. Ngoài ra, việc buộc tàu cá đánh bắt xa bờ phải gắn thiết bị hành trình mới được cấp phép cũng chưa thể triển khai ngay, vì Luật Thủy sản đến đầu năm 2019 mới có hiệu lực”.
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng Kiên Giang đã xử lý 7 vụ, 13 phương tiện, 7 đối tượng có hành vi đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 1 vụ, 2 phương tiện, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng 3 vụ, 3 đối tượng với thời hạn 3 tháng.
|
Kiên Giang sẽ quy hoạch lại ngành nghề, giảm sản lượng khai thác, nâng cao chất lượng thủy sản, để hướng đến nghề cá bền vững. Ảnh: NT |
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã thẳng thắn chỉ ra 8 vấn đề còn tồn tại và đề xuất 5 giải pháp để phát triển nghề cá của tỉnh Kiên Giang. Theo đó, những tồn tại gồm: nguồn lợi thủy sản trên vùng biển ngày càng suy giảm; cường lực khai thác của đội tàu lớn hơn trữ lượng khai thác; tàu hành nghề khai thác dễ tổn thương nguồn lợi chiếm tỷ lệ cao (nghề lưới kéo – tàu giã cào); tàu cá vi phạm nước ngoài nhiều; tai nạn trên biển; việc xác nhận, chứng nhận lượng hàng qua cảng còn hạn chế; giám sát tàu cá (bằng thiết bị điện tử) chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ.
Các giải pháp để phát triển nghề cá là: phải có giải pháp hiệu quả để sớm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cần có lộ trình lắp thiết bị giám sát tàu cá, giảm dần, hướng đến cấm nghề lưới kéo, chuyển qua nghề khai thác thân thiện môi trường, phát triển nghề nuôi biển, nuôi tôm công nghệ cao, tôm lúa, tôm hữu cơ; tăng cường công tác chứng nhận, xác nhận sản lượng cá lên cảng; sớm kiện toàn lực lượng thanh tra, kiểm ngư; triển khai thực hiện hiểu quả Luật Thủy sản năm 2017.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết, khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích trên 12.000ha nằm tại vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm huyện Kiên Lương, Giang Thành và TX Hà Tiên), công suất 250.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị chế biến xuất khẩu 2 tỷ USD, dân cư khoảng 60.000 người, trong đó, có 20.000 công nhân. Minh Phú sẽ triển khai thực hiện 2 vấn đề trọng tâm là khu nuôi tôm công nghệ cao và nhà máy chế biến xuất khẩu, còn lại các ngành phụ trợ như sản xuất thức ăn, chế biến phụ phẩm… sẽ do đơn vị khác thực hiện. Theo đó, khu phức hợp sẽ được triển khai toàn bộ trong khoảng thời gian 10 năm, với 5 giai đoạn thực hiện.
Ngoài khu phức hợp, Minh Phú còn đang triển khai phát triển tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ, gồm: tôm rừng, tôm lúa, với đối tượng chính là con tôm sú. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giá xuất khẩu bao giờ cũng cao hơn so với tôm thẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, Kiên Giang hiện có sản lượng khai thác lớn nhưng giá trị không cao, dẫn đến thu nhập của ngư dân cũng không cao. Vì vậy, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, sẽ đi theo hướng nâng cao giá trị, giảm sản lượng khai thác. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác nuôi trồng. Còn về chống khai thác IUU, ông Hồng nhận khuyết điểm với Bộ, vì Kiên Giang đã triển khai nhưng chưa hiệu quả, tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho địa phương về nhân sự, thiết bị để triển khai thực hiện Luật Thủy sản cho tốt. Quy hoạch lại vùng biển, đánh giá lại trữ lượng, chuyển đổi ngành nghề đánh bắt (giảm nghề lưới kéo), nâng cao chất lượng sau thu hoạch. Về nuôi trồng, ngoài nuôi biển, Kiên Giang sẽ tập trung phát triển nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi công nghệ cao với hệ thống thiết bị theo dõi, kiểm soát thông minh và tôm - lúa hữu cơ, tôm sinh thái (tôm - rừng).
Theo thứ trưởng Vũ Văn Tám, EC đã nhiều lần cảnh báo chúng ta về khai thác IUU và cuối cùng là rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Trong 6 tháng qua, chúng ta đã làm rất quyết liệt nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục EC bỏ thẻ vàng. Cụ thể, đoàn kiểm tra của EC qua kiểm tra thực địa tại Kiên Giang và Bình Định, họ đã chỉ ra rất nhiều lỗi vi phạm cần khắc phục.
|
Ngoài khai thác, Kiên Giang còn có lợi thế lớn về nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ. Ảnh: NT |
Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã quyết định chọn 3 tỉnh là Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh, đại diện cho 3 vùng để làm điểm thực hiện Luật Thủy sản. Trong đó, 3 lý do chọn Kiên Giang làm điểm triển khai thực hiện là: Chính quyền có quyết tâm thực hiện; điều kiện địa lý có nhiều thuận lợi để phát triển, với vùng biển rộng lớn; kết quả thực thi của Kiên Giang về chống khai thác IUU chưa như mong muốn nên Bộ cần phải có sự hỗ trợ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, muốc thực hiện tốt các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, tiến tới khắc phục thẻ vàng của Châu Âu, thì phải giám sát tốt tàu cá, trước mắt là lắp thiết bị đầu cuối (MOVIMAR) cho toàn bộ hơn 500 tàu cá của Kiên Giang có chiều dài trên 24m. Giám sát việc ghi nhật ký khai thác, quản lý được sản lượng lên cảng và truy xuất được nguồn gốc khi cần. Hướng tới nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là cảng cá và kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý.
Kiên Giang cần thực hiện đề án về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là về trữ lượng để điều chỉnh ngành nghề khai thác. Bộ NN-PTNT sẽ kết hợp với địa phương để quản lý tốt nguồn lợi cá cơm, thí điểm về việc cấp quota về khai thác cá cơm, tránh khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt. Phát triển nghề nuôi biển, Bộ sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ nuôi biển, kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển xa bờ, kết nối xúc tiến thương mại.
Về lực lượng kiểm ngư địa phương, Kiên Giang sớm hoàn thiện đề án để trình Bộ xem xét. Xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với kiểm ngư trung ương để kiểm soát tốt vùng biển. Hiện nay Trạm kiểm ngư của Bộ NN-PTNT tại Phú Quốc đã được trang bị 3 tàu, còn 2 tàu nữa đang hoàn thiện.
Về khu phức hợp nuôi tôm, Bộ ủng hộ chủ trương và sẽ sát cánh cùng địa phương hỗ trợ Minh Phú thực hiện để sớm triển khai đi vào vận hành. Bộ cũng hỗ trợ để Tập đoàn Minh Phú thực hiện thành công nuôi tôm giống bố mẹ và sản xuất tôm giống kháng bệnh phục vụ sản xuất.
(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám)
|
(Theo NNVN)