Khoa học và công nghệ nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết “tam nông”), nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có bước phát triển mạnh mẽ làm nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: KH&CN đã có bước phát triển mới làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 30%. Điều này góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2009 - 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 309 giống cây trồng và 203 tiến bộ kỹ thuật mới. Chương trình giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể tăng năng suất và chất lượng của nông sản Việt. Tính đến hết năm 2017, 800 tiêu chuẩn, 210 quy chuẩn kỹ thuật đã được công nhận, ban hành và áp dụng hiệu quả.

10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn khẳng định “Tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với khu vực chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước”. Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn… đã khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế. 

khoa hoc va cong nghe nang cao gia tri gia tang nganh nong nghiep
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

KH&CN giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao và vượt mục tiêu đề ra. GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,93%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây, đã khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong nông nghiệp, nông dân đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao; dân chủ được phát huy theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao trình độ KH&CN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới, đó là: thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị thương phẩm cao; phổ biến áp dụng VietGAP và các quy trình sản xuất tốt khác có xác nhận; đẩy mạnh cơ giới hóa; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khoa học, công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thúc đẩy sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý nông nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ sẵn sang về công nghệ và khả năng sáng tạo, đổi mới của nền nông nghiệp để tạo “đột phá” về năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam.

Nâng cao năng lực hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đảm bảo đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người tiếp cận và chuyển tải được tiến bộ khoa học công nghệ của thế giới; rà soát xây dựng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia để xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của Bộ, ngành, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, nhân lực quản trị và lao động nông nghiệp, nông thôn để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo và tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp hoặc trở thành những nhà nông nghiệp chuyên nghiệp.

(Theo Petrotimes)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục